Những việc cần làm ngay để ‘đánh thức’ tiềm năng Đồng bằng sông Hồng

Để ‘đánh thức’ tiềm năng Đồng bằng sông Hồng, theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, các địa phương trong vùng cần thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái, sớm di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô...
Những việc cần làm ngay để ‘đánh thức’ tiềm năng Đồng bằng sông Hồng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Tại Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng Điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng, diễn ra trong ngày 20/7, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã đề xuất một loạt nhiệm vụ, giải pháp để “đánh thức” được các tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng một cách toàn diện, bền vững, xứng đáng với vị trí là trung tâm lan tỏa phát triển và kết nối liên vùng.

Theo đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương cần tập trung, khẩn trương hoàn thành việc lập Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Quy hoạch trên phải bảo đảm liên kết bảo vệ môi trường vùng và liên tỉnh, các lưu vực sông liên tỉnh, các khu vực ven biển liên tỉnh; phương hướng xác lập các khu vực về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học liên tỉnh; phương hướng tổ chức không gian các khu xử lý chất thải tập trung cấp vùng và liên tỉnh.

Cùng với đó, các địa phương trong vùng cần sớm hoàn thành phê duyệt quy hoạch tỉnh, trong đó xác định các mục tiêu cụ thể để thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh; xác định rõ các mục tiêu về bảo vệ môi trường để dẫn dắt, định hướng đầu tư, phát triển các ngành kinh tế, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh.

[Thủ tướng chủ trì Hội nghị Hội đồng Điều phối Vùng Đồng bằng sông Hồng]

Đặc biệt, các địa phương cần xây dựng, tổ chức triển khai các chính sách cụ thể phát triển nền kinh tế tuần hoàn, quy hoạch môi trường và quy hoạch phát triển mạng lưới quan trắc môi trường (bao gồm cả không khí) để làm cơ sở phân vùng, định hướng đầu tư, phát triển các ngành kinh tế phù hợp với ngưỡng chịu tải của môi trường.

Những việc cần làm ngay để ‘đánh thức’ tiềm năng Đồng bằng sông Hồng ảnh 2Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên cạnh đó, ông Khánh cũng đề nghị các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng cần đẩy mạnh chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả tài nguyên; hướng tới đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế đồng thời giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường; khai thác tiềm năng lợi thế về năng lượng tái tạo.

Các địa phương cần thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; tăng cường tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp; quy hoạch đô thị hóa bền vững, chú trọng phát triển không gian xanh, công trình xanh, đô thị sinh thái, đô thị thông minh, chống chịu với biến đổi khí hậu.

Đối với nhóm giải pháp bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, ông Khánh cho rằng các địa phương của vùng cần ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư các dự án xử lý rác thải cấp vùng và liên tỉnh có công nghệ tiên tiến, hiện đại trong xử lý, tái chế rác thải và nước thải; trong đó ưu tiên phát triển các công nghệ xử lý kết hợp thu hồi năng lượng, thân thiện môi trường.

Đi kèm với giải pháp xử lý, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng đề nghị các địa phương chủ động kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường; duy trì, cải thiện chất lượng và vệ sinh môi trường.

Những việc cần làm ngay để ‘đánh thức’ tiềm năng Đồng bằng sông Hồng ảnh 3Thu hút đầu tư các dự án xử lý rác thải cấp vùng và liên tỉnh có công nghệ tiên tiến. (Ảnh minh họa. Nguồn: PV/Vietnam+)

“Trong đó, các địa phương cần phát huy hiệu quả của đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin về ô nhiễm môi trường của trung ương và địa phương, mở rộng hệ thống đường dây nóng đến cấp huyện nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc gây ô nhiễm môi trường ngay từ cơ sở,” ông Khánh lưu ý.

Người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng triển khai một số chương trình/dự án trọng điểm nhằm giải quyết các vấn đề môi trường “nóng,” bức xúc hiện nay để có lộ trình thực hiện xong trong 5-10 năm tới.

Ngoài ra, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống giao thông công cộng, vận tải hành khách khối lượng lớn; ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi để thúc đẩy sử dụng các phương tiện giao thông phi cơ giới, thân thiện với môi trường (xe đạp, xe điện, xe sử dụng nhiên liệu sạch, năng lượng tái tạo); đẩy nhanh công tác thực hiện lộ trình di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô.

“Bộ Tài nguyên và Môi trường cam kết cùng với các bộ, ngành, địa phương trong hội đồng xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch hành động của hội đồng; đặt quyết tâm cao hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra vì sự phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng-an ninh của vùng,” ông Khánh nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục