Các tình nguyện viên tham gia hoạt động dọn rác trên Vịnh Hạ Long. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Các tình nguyện viên tham gia hoạt động dọn rác trên Vịnh Hạ Long. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Vấn nạn rác thải Vịnh Hạ Long: Cần cam kết tập thể và hành động thống nhất

Chính quyền địa phương hoàn toàn có thể ban hành những quy định để xử phạt nghiêm minh. Vấn đề là các đơn vị quản lý thực thi những biện pháp đó như thế nào; vai trò, trách nhiệm các cơ quan ra sao…

Vấn nạn rác thải trôi dạt trên mặt biển Vịnh Hạ Long thời gian qua đã khiến hình ảnh của di sản Việt "mất điểm" trong mắt du khách cả trong nước và quốc tế. Với mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân, góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm biển, hơn 100 thành viên đến từ khắp nơi trên cả nước vừa có chuyến đi về Hạ Long để tham gia vào hoạt động “Clean The Bay - Làm sạch Vịnh Hạ Long”.

Đây là một cam kết tập thể nhằm làm sạch môi trường biển vùng di sản. Bởi bao năm qua, xả rác trên vịnh Hạ Long luôn là thách thức với chính quyền địa phương. Trước thực trạng này, các chuyên gia cho rằng "nếu quyết tâm thì không gì là không thể giải quyết".

Làm sạch vịnh Hạ Long: Cam kết tập thể

Dưới sự hỗ trợ của đại diện các ban ngành, trong đó có các cơ quan chức năng, quản lý địa điểm du lịch cũng như các tổ chức phi lợi nhuận, nhóm tình nguyện viên đã chia thành nhiều đội dọn rác tại các khu vực như Áng Dù, bãi cát hòn Cọc Chèo, bãi cát Trinh Nữ - đảo Bồ Hòn... Đây là những địa danh có quần thể đảo đá vôi và bãi biển tuyệt đẹp trong quần thể di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long từng 3 lần được UNESCO vinh danh.

Tham gia hoạt động “Clean The Bay - Làm sạch vịnh Hạ Long”, tình nguyện viên từ các tổ chức, du khách và người lao động đang làm du lịch trên Vịnh Hạ Long được hướng dẫn cách làm sạch bãi biển và mặt nước theo đúng tiêu chí an toàn môi trường.

VHL.jpg
Hơn 100 thành viên đến từ khắp nơi trên cả nước vừa có chuyến đi về vùng di sản để tham gia vào hoạt động “Clean The Bay - Làm sạch Vịnh Hạ Long”. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trên đường di chuyển tới các địa điểm thu gom, đại diện từ các tổ chức tham gia đã cung cấp nhiều thông tin về tình trạng ô nhiễm rác thải đại dương. Những thông tin được chia sẻ tập trung vào các nội dung như mức độ trong quản lý rác thải, chiến lược giảm thiểu rác thải và tầm quan trọng của việc thúc đẩy du lịch bền vững đặc thù.

Tổng kết hoạt động, ngoài rác thải nhựa (túi nilon, chai, cốc, bao bì thực phẩm…), các tình nguyện viên còn thu gom được một lượng lớn phao xốp được cho là có nguồn gốc phát tán từ việc tháo dỡ, di dời lồng, bè nuôi hải sản trái phép ở các vùng lân cận trôi dạt tới.

Đại diện đơn vị lữ hành Wide Eyed Tour, bà Eileen Cameron bày tỏ hào hứng khi nhận được lời mời tham gia sự kiện: “Năm 2015, khi lần đầu đến thăm quan Vịnh Hạ Long, tôi thấy có rất nhiều rác, nhưng sau đó tôi đã nhận thấy sự cải thiện. Mặc dù lượng rác thải thu gom ngày hôm nay có thể là ít so với tổng thể toàn vịnh, nhưng tôi hy vọng rằng sau sự kiện này, tất cả những người tham gia sẽ cảm thấy có trách nhiệm và có ý thức giữ gìn môi trường trong sạch hơn, từ đó lan tỏa thông điệp đến những người khác”.

Du Thuyền Bhaya Cruise là doanh nghiệp tiên phong triển khai sáng kiến “Clean The Bay - Làm sạch vịnh Hạ Long” khởi động từ năm 2017. Sáng kiến sau đó trở thành một hoạt động dọn dẹp vì môi trường được tổ chức thường niên, với mục đích nâng cao nhận thức của người dân, góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm tại Di sản Thế giới được UNESCO công nhận.

VHL1.jpg
"Clean The Bay" đã góp phần làm sạch hơn 1,7 km đường bờ biển mỗi năm. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Tới thời điểm hiện tại, sáng kiến đã trở thành một cam kết tập thể, cùng hướng tới bảo tồn vẻ đẹp tự nhiên và hùng vĩ của vịnh Hạ Long đã góp phần làm sạch hơn 1,7 km đường bờ biển mỗi năm.

Cần xử phạt nghiêm minh

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn nhận định: “Rõ ràng vấn đề rác thải đang là thách thức lớn nhất ở các khu, điểm du lịch, đặc biệt là các khu, điểm du lịch đông khách như Hạ Long. Rác ở Vịnh Hạ Long đến từ hai nguồn, một là từ các cơ sở kinh doanh du lịch xả rác bừa bãi, thậm chí là của một bộ phận du khách thiếu ý thức; hai là rác trôi dạt ra biển do người dân sinh sống ở khu vực ven biển xả ra”.

Rác thải ảnh hưởng rất lớn tới hình ảnh thương hiệu điểm đến. Trong khi đó vấn đề môi trường hiện nay đang được khách du lịch trong nước và quốc tế quan tâm hàng đầu. Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn cho rằng vấn nạn rác thải trên vịnh thực sự là một thách thức với chính quyền địa phương. Nhưng theo ông Tuấn, không gì là không thể giải quyết.

VHL2.jpg
Rất nhiều thùng xốp đã được vớt khỏi mặt biển. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

“Muốn giữ được hình ảnh thương hiệu điểm đến Vịnh Hạ Long, chắc chắn chính quyền tỉnh Quảng Ninh cũng như thành phố Hạ Long phải vào cuộc thực sự, phải triển khai thành một chiến dịch để trước hết là tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân đồng thời cũng phải có các biện pháp xử lý nghiêm khắc khi phát hiện những tổ chức, cá nhân, kể cả khách du lịch thiếu ý thức trong giữ gìn vệ sinh môi trường chung, xả rác bừa bãi. Đặc biệt là các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trực tiếp xả rác thải xuống vịnh thì phải có hình thức dừng kinh doanh và phạt thật nặng”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, chính quyền địa phương hoàn toàn có thể ban hành những quy định để xử phạt nghiêm minh. Vấn đề là các cơ quan quản lý thực thi những biện pháp đó như thế nào; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc ra sao…

“Giữ gìn vệ sinh môi trường là một trong những yếu tố tạo dựng năng lực cạnh tranh hàng đầu cho thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam. Nếu không bảo vệ được môi trường, chắc chắn hình ảnh thương hiệu của điểm đến, của di sản thế giới Vịnh Hạ Long sẽ bị mất đi”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục