Tưng bừng khai mạc Lễ hội Sông nước Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024

Lễ hội diễn ra từ ngày 31/5-9/6 với chuỗi hoạt động văn hóa, giải trí, nghệ thuật, thể thao, cùng nhiều hoạt động trải nghiệm, chương trình kích cầu thương mại, du lịch phong phú, hấp dẫn.

Chương trình nghệ thuật “Chuyến tàu huyền thoại” là một vở đại nhạc kịch ngoài trời lần đầu tiên được tổ chức trên sông Sài Gòn. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)
Chương trình nghệ thuật “Chuyến tàu huyền thoại” là một vở đại nhạc kịch ngoài trời lần đầu tiên được tổ chức trên sông Sài Gòn. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Tối 31/5, Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc Lễ hội Sông nước Thành phố lần 2 - năm 2024 khu vực Cảng Nhà Rồng-Khánh Hội (Quận 4).

Dự lễ khai mạc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh thành phía Nam và đông đảo các tầng lớp nhân dân thành phố.

Lễ hội diễn ra từ ngày 31/5-9/6 với chuỗi hoạt động văn hóa, giải trí, nghệ thuật, thể thao, cùng nhiều hoạt động trải nghiệm, chương trình kích cầu thương mại, du lịch phong phú, hấp dẫn, góp phần bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị kinh tế, du lịch từ hệ thống tài nguyên sông biển trên địa bàn.

Đến với lễ hội, người dân, du khách có thể trải nghiệm đa dạng chương trình du lịch đường thủy, lan tỏa niềm tự hào và tình yêu dành cho Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, chương trình nghệ thuật “Chuyến tàu huyền thoại” khai mạc Lễ hội là điểm nhấn của chương trình năm nay, với sự tham gia biểu diễn của hơn 1.000 diễn viên chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp và diễn viên quần chúng.

ttxvn_3105_le hoi song nuoc (2).jpg
Một tiết mục trong chương trình được dàn dựng công phu, hoành tráng. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Chương trình nghệ thuật “Chuyến tàu huyền thoại” là một vở đại nhạc kịch ngoài trời lần đầu tiên được tổ chức trên sông Sài Gòn, kết hợp giữa yếu tố điện ảnh, âm nhạc và vũ kịch nhằm tái hiện, tôn vinh lịch sử hào hùng của sông Sài Gòn thông qua câu chuyện về những chuyến tàu.

Ngoài ra, chương trình còn sử dụng những công nghệ biểu diễn và tương tác hiện đại như kỹ xảo điện ảnh, công nghệ trình chiếu 3D Mapping, màn hình nước, sân khấu chuyển động trên nước, trình diễn drone...

Đạo diễn Lê Hải Yến cho biết chương trình nghệ thuật “Chuyến tàu huyền thoại” không chỉ là một sự kiện văn hóa-giải trí đặc sắc mà còn là một bộ phim sống động về lịch sử và văn hóa Việt Nam; qua đó tôn vinh các giá trị truyền thống và tinh thần yêu nước, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong thời đại mới.

Theo đạo diễn Lê Hải Yến, nếu như ở mùa đầu tiên, “Dòng sông kể chuyện” là một bức tranh văn hóa toàn cảnh về Gia Định-Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh qua hàng ngàn năm lịch sử từ các chương Khởi thủy - Khẩn hoang - Xây thành - Trên bến dưới thuyền - thương cảng phồn vinh đến Rực rỡ thành phố bên sông thì “Chuyến tàu huyền thoại” sẽ kể những câu chuyện lịch sử cận đại được diễn ra ngay trên dòng chảy này qua các chương như Hạ thủy - Cập bến - Ra khơi - Dậy sóng - Vươn xa.

ttxvn_3105_le hoi song nuoc (3).jpg
Chương trình có sự tham gia biểu diễn của hơn 1.000 diễn viên chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp và diễn viên quần chúng. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Tại lễ khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết tiếp nối các kết quả bước đầu của Lễ hội lần thứ nhất, Lễ hội Sông nước Thành phố lần 2 tiếp tục được tổ chức nhằm tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của những dòng sông di sản, lan tỏa niềm tự hào, tình yêu Thành phố thông qua chuỗi hoạt động đa dạng, đặc sắc kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; hướng đến xây dựng Lễ hội thành sự kiện thường niên dài ngày, quy mô lớn, mang dấu ấn riêng của Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông Phan Văn Mãi, chương trình là sự tôn vinh và tri ân sâu sắc dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại nhân kỷ niệm 113 năm ngày Người ra đi tìm đường cứu nước; là sự tưởng nhớ và biết ơn các thế hệ cha ông từ những ngày đầu khẩn hoang, kiến thiết, đấu tranh cho nền độc lập, tự do, thống nhất của dân tộc và dấn thân vì hạnh phúc của nhân dân.

Bên cạnh đó, chương trình cũng là thông điệp thể hiện quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố tiếp nối truyền thống yêu nước, tinh thần kiên trung, dám nghĩ, dám làm, không ngừng đổi mới, sáng tạo để xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh anh hùng, giàu nội lực, bản lĩnh, sẵn sàng khẳng định vị thế trong thời đại mới.

Năm 2023, có hơn 60.000 lượt khách trực tiếp tham gia trong 3 ngày tổ chức Lễ hội Sông nước Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 1; hơn 210.000 lượt du khách tham quan trong tuần Lễ hội, tăng 112,4% so với dịp nghỉ lễ 30/4-1/5/2023./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Chương trình nghệ thuật sân khấu hóa với chủ đề “Huyền thoại Mẹ xứ sở” tại lễ hội. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Khánh Hòa: Khai mạc Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2025

Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2025 kéo dài đến hết ngày 20/4, là cơ hội gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa, để nơi đây mãi là biểu tượng thiêng liêng của lòng tri ân, niềm tin và khát vọng của con người.

Những chiếc thuyền câu cùng vật tế lễ tại lễ Khao lề. (Ảnh: TTXVN phát)

Quảng Ngãi: Tri ân những hùng binh Hoàng Sa

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa không chỉ dừng lại ở ý nghĩa văn hóa, mà còn góp phần phản ánh về lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng Biển Đông.

Nước phở nóng sốt được chan vào bát. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Về Nam Định tham dự lễ hội làng nghề Phở Vân Cù

Lễ hội làng nghề phở Vân Cù, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, Nam Định nhằm bảo tồn, phát triển và tri ân các bậc tiền bối đã làm nên một nghề Phở Vân Cù truyền thống, được lan tỏa khắp mọi miền tổ quốc.

Các nghệ nhân trình diễn đổ chiếc bánh xèo khổng lồ có 100 con tôm hùm trong khuôn khổ Lễ hội. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Bảo tồn và phát huy giá trị bánh dân gian Nam Bộ

Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ 2025 quy tụ nhiều nghệ nhân từ khắp mọi miền đất nước với quy mô hơn 230 gian hàng gồm không gian bánh dân gian, không gian đặc sản vùng miền, không gian ẩm thực.