Những xu hướng định hình chiến lược dữ liệu trong năm 2021

Các thị trường mới nổi hoặc các công ty viễn thông mới trỗi dậy có thể vượt xa các quốc gia phát triển và các công ty viễn thông đã thành danh trong cuộc đua 5G.
Những xu hướng định hình chiến lược dữ liệu trong năm 2021 ảnh 1(Nguồn: journaldugeek.com)

Tờ Business Times mới đây đăng bài viết của tác giả Daniel Hand nhận định, mặc dù năm 2020 đã cho chúng ta thấy nhiều điều bất ổn, nhưng có một điều khẳng định chắc chắn là dữ liệu sẽ tiếp tục đóng vai trò “sứ mệnh quan trọng” trong năm 2021 và trong những năm tiếp theo.

Nhiều tổ chức ở ASEAN đã tận dụng dữ liệu để tăng cường khả năng phục hồi kinh doanh của mình trong 12 tháng qua. Bước đi tiếp theo là việc sử dụng dữ liệu để có được sự nhanh nhạy cần thiết để giải quyết các nguy cơ trong tương lai. Để làm như vậy, họ cần đảm bảo rằng chiến lược dữ liệu của họ có thể giải quyết được bốn xu hướng mà được dự đoán sẽ chiếm lĩnh trong năm 2021.

Sự gia tăng công nghệ 5G trong ASEAN và cơn bão dữ liệu bùng nổ

Theo Kearney, công nghệ 5G được thiết lập để cung cấp vô số cơ hội cho các nước ASEAN, chiếm tới 22% doanh thu doanh nghiệp vào năm 2025.

Trong đó, Indonesia được dự kiến sẽ chiếm thị phần lớn nhất, tiếp theo là Malaysia, Singapore và Thái Lan. Dự kiến sẽ có nhiều nhà cung cấp dịch vụ viễn thông (telcos) trong khu vực bắt đầu hoặc tiếp tục nâng cấp hệ thống mạng lưới viễn thông hiện tại của họ để mang lại kết nối tốc độ cao, độ trễ thấp và sự kết nối đáng tin cậy hơn mà công nghệ 5G có thể cung cấp.

Trên thực tế, các thị trường mới nổi hoặc các công ty viễn thông mới trỗi dậy có thể vượt xa các quốc gia phát triển và các công ty viễn thông đã thành danh trong cuộc đua 5G vì họ có thể "đi trước đón đầu" hệ thống mới nhất thay vì phải đại tu, nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện có.

[Những xu hướng công nghệ đáng chú ý trong năm 2021]

Sự gia tăng của công nghệ 5G sẽ tác động đến chiến lược dữ liệu của một tổ chức vì công nghệ này có thể cung cấp sự kết nối khổng lồ cho xu hướng Internet Vạn vật (IoT).

Với việc mạng lưới 5G có thể xử lý tới 1 triệu thiết bị được kết nối trên một km vuông, các định chế, tổ chức ASEAN đang áp dụng IoT phải sẵn sàng để điều hướng cơn bão dữ liệu do các thiết bị kết nối đó tạo ra.

Để làm được như vậy họ có thể sử dụng “dữ liệu đám mây” doanh nghiệp, vốn cho phép họ nắm bắt hiệu quả dữ liệu IoT và nhanh chóng phân tích dữ liệu đó trên dữ liệu của chính mình hoặc với dữ liệu từ các nguồn khác, chẳng hạn như kho dữ liệu hoặc “hồ chứa dữ liệu.”

Việc này giúp đem lại thông tin chi tiết có ý nghĩa trong khi vẫn đồng thời bảo vệ được dữ liệu ở mọi giai đoạn của chu trình dữ liệu.

Học máy (Machine learning-ML) trở nên dễ tiếp cận với mọi người

Với việc các tổ chức, định chế chuyển đổi kỹ thuật số, họ sẽ phải đối mặt với những khối lượng dữ liệu ngày càng gia tăng theo cấp số nhân cũng như độ phức tạp ngày càng lớn của các công nghệ mới.

Thêm nhiều doanh nghiệp đang chuyển sang sử dụng Học máy (Machine Learning - là một lĩnh vực nhỏ của khoa học máy tính, máy tính có khả năng tự học hỏi dựa trên dữ liệu đưa vào mà không cần phải được lập trình cụ thể) để vượt qua được những thách thức đó.

Một số công ty viễn thông của ASEAN, chẳng hạn như Axiata của Malaysia, đang bắt đầu khám phá cách ML có thể giúp họ quản lý mạng và dự đoán tốt hơn khối lượng công việc, nhằm đảm bảo rằng dịch vụ của họ được liên tục, nhất quán và đáng tin cậy.

Trong khi đó, các nhà sản xuất trong khu vực ASEAN đang sử dụng ML cho việc bảo trì có thể dự tính được nhằm ngăn chặn thời gian ngừng hoạt động ngoài kế hoạch.

Bất chấp sự quan tâm ngày càng tăng đối với công nghệ, nhiều tổ chức và định chế đang áp dụng cách tiếp cận từng phần đối với ML, điều này làm cản trở chính họ trong việc trở nên thực sự đi theo xu hướng do dữ liệu dẫn dắt.

Các tổ chức có thể khắc phục điều này bằng cách vận hành ML, cho phép người dùng tận dụng, khai thác ML mà không cần yêu cầu sự trợ giúp từ các nhóm công nghệ thông tin và các nhóm khoa học dữ liệu.

Điều này đòi hỏi sự tin tưởng, giao tiếp, truyền đạt khả năng của mô hình ML và đem lại tác động có ý nghĩa đến doanh nghiệp. Những doanh nghiệp và thể chế có thể tạo ra hành động từ những hiểu biết sâu sắc từ AI sẽ rất sẵn sàng để có thể tồn tại và phát triển trong bối cảnh "bình thường mới.”

Quản trị dữ liệu sẽ là trung tâm trong một thế giới "hybrid cloud"

Đám mây kết hợp (hybrid cloud) là một môi trường điện toán đám mây kết hợp, giao thoa giữa nền tảng đám mây riêng (private cloud) được thiết kế riêng cho một tổ chức được cung cấp bởi một bên thứ ba, và các dịch vụ ám mây công cộng (public cloud) (như của Google hay Amazon).

Hybrid cloud được dự báo sẽ trở thành sự lựa chọn mặc định cho hầu hết các tổ chức. Công ty nghiên cứu thị trường International Data Corporation (IDC) dự báo rằng đến năm 2021, trên 90% các doanh nghiệp trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) sẽ phụ thuộc vào sự kết hợp của các loại dữ liệu đám mây cá nhân tại chỗ/chuyên dụng, một số dữ liệu đám mây công cộng (public cloud) và các nền tảng kế thừa để đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng của họ.

Với dữ liệu trải rộng trên các hybrid cloud, điều quan trọng là các tổ chức phải bảo mật và quản lý dữ liệu của họ một cách hiệu quả bất kể dữ liệu đó nằm ở đâu hay được sử dụng như thế nào.

Các doanh nghiệp thiếu hụt hệ thống quản trị và hệ thống bảo mật mạnh mẽ không chỉ có nguy cơ dễ bị tấn công mạng và các mối đe dọa từ bên trong mà còn phải vật lộn và rất khó khăn để tuân thủ các quy định như quy định của luật bảo mật dữ liệu hay những nghĩa vụ được quy định Know Your Customer (KYC).

Các tổ chức có tư duy tiến bộ đã đối phó lại những thách thức này bằng cách sử dụng đám mây dữ liệu doanh nghiệp vốn có thể củng cố và thực thi một bộ chính sách quản trị và bảo mật nhất quán trên các môi trường hybrid cloud - bao gồm các kiểm soát truy cập chi tiết, dòng dữ liệu và nhật ký kiểm tra hoạt động.

Ví dụ, những ngân hàng ASEAN đã làm được như vậy, như ngân hàng United Overseas Bank (UOB) có khả năng tuân thủ tốt hơn các quy định về phòng chống rửa tiền. Bằng cách có khả năng hiển thị toàn bộ vòng đời dữ liệu của họ (tức là biết cách dữ liệu của họ được sinh ra, được vận dụng và được sử dụng hoặc được thao túng bởi các ứng dụng/người dùng doanh nghiệp khác nhau trong tổ chức), họ có thể dễ dàng chứng minh với các cơ quan quản lý rằng họ đang sử dụng dữ liệu đầy đủ và chính xác để giám sát các hoạt động rửa tiền.

Để giải quyết ngày càng nhiều các cuộc tấn công mạng và lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu, hy vọng sẽ có nhiều tổ chức hơn tập trung vào việc đảm bảo rằng nền tảng dữ liệu của họ có thể cung cấp việc bảo mật, quản trị, dòng dịch chuyển và kiểm soát dữ liệu nhất quán trên toàn bộ các hybrid cloud của họ vào năm tới.

Công nghệ AI có được liều thuốc “đạo đức dữ liệu”

Khi ngày càng có nhiều công ty sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra các giải pháp có thể mở rộng, thì động thái này cũng làm tăng rủi ro về uy tín, quy định và pháp lý của họ.

Do các hệ thống AI “học tập” từ các tập dữ liệu mà chúng được đào tạo, các tổ chức/định chế phải giải quyết các vấn đề về đạo đức nảy sinh từ việc thu thập, phân tích và sử dụng một lượng lớn dữ liệu.

Hiện nay, các cuộc thảo luận về đạo đức AI xoay quanh việc ẩn danh dữ liệu, trong khi Australia, Singapore và Hàn Quốc đã có sẵn các khuôn khổ AI, thì các thị trường khác, bao gồm Ấn Độ và Indonesia, sẽ tiếp tục tạo ra các quy định và đặt ra các tiêu chuẩn quốc gia về đổi mới AI trong năm 2021.

Bên cạnh đó, các tổ chức/định chế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể thực hiện vai trò của mình bằng cách quản trị dữ liệu mạnh mẽ. Họ có thể cân nhắc việc sử dụng đám mây dữ liệu doanh nghiệp để đơn giản hóa việc quản trị và giải quyết tình trạng thiếu minh bạch xung quanh các mô hình dữ liệu và cơ sở hạ tầng thông tin được sử dụng để cung cấp “sức sống” cho các hệ thống AI (ví dụ như là việc hệ thống AI sử dụng dữ liệu nào và cách AI đưa ra quyết định như thế nào).

Trong năm 2021, các cuộc thảo luận về đạo đức AI và quản trị dữ liệu sẽ được áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như việc xác định ai sở hữu dữ liệu được tạo ra bởi các phương tiện được kết nối và thiết bị thông minh, và ai nên bảo vệ hồ sơ cá nhân trên mạng của người tiêu dùng khi ho gia tăng những dấu vết trên mạng của họ.

Dữ liệu chắc chắn là một tài sản chiến lược có thể giúp các tổ chức có được sự nhanh nhẹn, linh hoạt cần thiết để vượt qua những bất ổn trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, tầm quan trọng ngày càng tăng của dữ liệu và việc sử dụng ngày càng nhiều công nghệ mới như AI sẽ tạo ra những thách thức và các nỗi lo ngại mới.

Để đảm bảo rằng chiến lược dữ liệu có thể giải quyết được các yêu cầu kinh doanh mới thì chiến lược này phải được hỗ trợ bởi đám mây dữ liệu doanh nghiệp, vốn sẽ cung cấp cho mọi nhân viên quyền truy cập vào dữ liệu và thông tin chi tiết có liên quan, đồng thời vẫn kiểm soát chi phí, giảm thiểu rủi ro, củng cố, thực thi bảo mật và quản trị nhất quán trên tất cả các tài sản dữ liệu.

Bằng cách làm cho dữ liệu trở thành một thứ được biết đến, có thể khám phá được, khả dụng, đáng tin cậy và tuân thủ, các tổ chức, định chế làm như vậy đang ở vị trí tốt hơn để cải thiện hiệu quả hoạt động, tìm kiếm các nguồn doanh thu mới và cung cấp trải nghiệm khách hàng hoặc dịch vụ tốt hơn cho người dân, ngay cả khi phải đối mặt với sự gián đoạn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục