Tỉnh Ninh Thuận có hệ thống di tích phong phú, đa dạng, trong đó nhiều di tích được xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều di tích đang xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích.
Đình Thuận Hòa ở xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, là một trong nhiều di tích ở Ninh Thuận đang xuống cấp nghiêm trọng. Đình được xây dựng cách đây trên 200 năm, đến năm 2001 được xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia.
Theo các tài liệu ghi lại, đình Thuận Hòa đã trải qua nhiều lần tu sửa lớn vào các năm 1922, 1968, 1994, 1997, 2005, 2012 bằng nguồn kinh phí do người dân địa phương đóng góp và vốn đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.
Dù đã được trùng tu, nhưng do thời gian xây dựng đã lâu cộng với tác động thời tiết nên nhiều hạng mục vốn hư hỏng từ trước nay lại càng xuống cấp hơn.
Ông Lê Văn Lan, người trông nom đình từ năm 1975 đến nay bày tỏ lo lắng: Hầu như toàn bộ kết cấu của đình Thuận Hòa đã bị xuống cấp, nhất là phần mái của nhà chánh điện, nhà tiền hiền đều bị dột khi trời mưa.
Dàn đòn tây, rui, lách do thấm mưa nắng, mối mọt đục khoét nhiều đoạn làm ảnh hưởng kết cấu chịu tải của toàn bộ mái đình. Các hạng mục quan trọng này có thể đổ sập bất cứ lúc nào nên rất nguy hiểm cho việc cúng tế, sinh hoạt của người dân.
Bà Nguyễn Thị Yến Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phước Thuận, cho hay Đình Thuận Hòa là không gian sinh hoạt văn hóa quan trọng của người dân địa phương. Chính quyền địa phương cũng đã làm văn bản đề nghị các cấp, ngành sớm có biện pháp khắc phục tình trạng xuống cấp của di tích.
[Thừa Thiên-Huế: Bảo tồn và phát huy Khu chứng tích Lao Thừa Phủ]
Theo thống kê của ngành văn hóa, Ninh Thuận hiện có 239 di tích được kiểm kê gồm các loại hình: Đình làng, chùa, miếu, nhà thờ, lăng thờ cá Voi/cá Ông, tháp Chăm, thánh đường Hồi giáo, đền thờ của người Chăm, phế tích và bia ký Chăm, di tích lịch sử cách mạng, danh lam thắng cảnh...
Đến nay, tỉnh có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt gồm cụm tháp Hòa Lai và tháp Po Klong Garai, 12 di tích cấp quốc gia, 45 di tích cấp tỉnh.
Trong số những di tích đã được xếp hạng các cấp, có khoảng 30 di tích kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo đang trong tình trạng xuống cấp nặng, một số hạng mục của di tích có nguy cơ đổ sụp.
Ông Phạm Văn Thành - Trưởng phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận), cho hay từ năm 1992 đến nay, 12 di tích cấp quốc gia của tỉnh đều được quan tâm đầu tư chống xuống cấp bằng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.
Bên cạnh đó, các di tích này cũng được người dân địa phương, nhà hảo tâm hỗ trợ tu bổ thêm qua các năm bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Tuy nhiên, hiện nay một số di tích đã trùng tu giai đoạn trước tiếp tục xuống cấp, hư hỏng nhiều hạng mục khác như Đình Thuận Hòa, đình Tri Thủy, đình Văn Sơn, đình Vạn Phước...
Theo ông Phạm Văn Thành, mặc dù đã tu bổ, tôn tạo các hạng mục nhưng nhiều di tích được xếp hạng vẫn bị xuống cấp. Một trong những nguyên nhân chính là do đặc điểm về điều kiện tự nhiên (thiên tai, lũ lụt, thời tiết khắc nghiệt) đã tác động mạnh đến sự tồn tại của hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật như đình, miếu có một số hạng mục cấu tạo từ gỗ, hệ thống cột cái, vì kèo, giàn mái... qua thời gian sử dụng và mối mọt xâm hại nên bị xuống cấp, mục ruỗng, thấm dột, ảnh hưởng đến nội thất bên trong các di tích. Một số di tích khác xuống cấp ở hạng mục vách, tường bao bị sủi, bong tróc.
Việc duy tu đối với di tích không được thường xuyên do hạn chế về kinh phí, kể cả kinh phí của Trung ương và địa phương. Theo đó, khi được phê duyệt phải ưu tiên trùng tu, gia cố chống xuống cấp ở những kết cấu quan trọng của kiến trúc và những công trình, hạng mục đang xuống cấp nghiêm trọng là chủ yếu. Sau một thời gian, các hạng mục đã xuống cấp chưa được trùng tu tiếp tục ảnh hưởng tới kết cấu nhiều hạng mục khác của di tích.
Bên cạnh đó, công tác quản lý về lĩnh vực văn hóa, di tích ở cấp xã, phường còn nhiều khó khăn do thiếu nhân lực am hiểu về lĩnh vực bảo tồn, trùng tu di tích. Nguồn vốn huy động xã hội hóa cho trùng tu di tích cũng còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, tốc độ phát triển kinh tế-xã hội, thiết chế văn hóa làng xã hiện nay có nhiều thay đổi, một số di tích cả năm chỉ mở cửa được một vài lần nên việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích gặp nhiều khó khăn...
Theo nhiều chuyên gia, để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, góp phần phục vụ phát triển du lịch và kinh tế, xã hội, tỉnh Ninh Thuận cần sớm chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương khảo sát di tích đang xuống cấp nghiêm trọng, hạng mục cấp bách cần trùng tu để sớm có kế hoạch bố trí nguồn vốn đầu tư tôn tạo, chống xuống cấp cho di tích.
Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động bảo tồn di tích, đẩy mạnh huy động nguồn vốn xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo di tích.
Ngành chức năng tăng cường kiểm tra việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở địa phương; tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý di tích, tu bổ, phục hồi di tích cho đội ngũ làm công tác văn hóa, người trực tiếp trông coi di tích.
Để tránh tình trạng các địa phương tự ý tu bổ làm sai lệch di tích, cơ quan quản lý văn hóa và chính quyền địa phương cần sớm có phương án phối hợp với đơn vị, cơ quan nghiên cứu khoa học sử dụng phương tiện, kỹ thuật để trùng tu chống xuống cấp di tích nhằm giữ gìn yếu tố nguyên gốc mang bản sắc, đặc trưng riêng của từng di tích.
Cơ quan chuyên môn, bảo tàng tỉnh, trung tâm nghiên cứu văn hóa đẩy mạnh nghiên cứu và phục hồi các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với di tích; tuyên truyền về giá trị của di tích, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị di tích trong cộng đồng.
Đối với di tích có thể khai thác, phục vụ du lịch, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh đầu tư đồng bộ về cơ sở hạng tầng, kết nối di tích với các danh lam thắng cảnh nhằm thu hút khách du lịch tới tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về giá trị của di sản để bảo tồn và phát huy giá trị di tích một cách bền vững./.