Ninh Thuận: Sớm xử lý dứt điểm việc học viên bị “ngâm bằng tốt nghiệp đại học"

Phía Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế xác nhận bằng tốt nghiệp của học viên đã ký, đóng dấu, chỉ chờ gửi, nhưng hiện Trường Trung cấp Việt Thuận vẫn chưa thanh toán kinh phí theo hợp đồng.

Trường Trung cấp Việt Thuận, nơi để xảy ra sự việc “nợ bằng” tốt nghiệp đại học của học viên kéo dài. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Trường Trung cấp Việt Thuận, nơi để xảy ra sự việc “nợ bằng” tốt nghiệp đại học của học viên kéo dài. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Học liên thông lên đại học, 51 học viên ở tỉnh Ninh Thuận lâm vào cảnh bị “ngâm" bằng tốt nghiệp trong thời gian dài do đơn vị liên kết đào tạo là Trường Trung cấp Việt Thuận (số 90A, đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Tấn Tài, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm) chưa hoàn tất kinh phí cho Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế.

Sau nhiều lần bị thất hẹn, các học viên lớp liên thông Đại học Sư phạm Mầm non Khóa 2 (niên khóa 2020-2023) tiếp tục phản ánh vụ việc với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.

Học viên P.T.H.A (thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn) cho biết các học viên đã hoàn thành chương trình học liên thông từ trình độ trung cấp lên đại học ngành giáo dục mầm non theo hình thức vừa làm, vừa học do Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế tổ chức đào tạo tại Trường Trung cấp Việt Thuận từ tháng 8/2023.

Các học viên cũng đã đóng đầy đủ học phí tất cả 6 học kỳ, mỗi học kỳ 5 triệu đồng/người cho Trường Trung cấp Việt Thuận, nhưng đến nay họ vẫn chưa nhận được bằng tốt nghiệp đại học.

Đại diện các học viên chia sẻ tháng 12/2023 Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp và bảng điểm cho các học viên, tuy nhiên giấy chỉ có giá trị đến cuối tháng 3/2024. Các học viên đã nhiều lần liên hệ với Trường Trung cấp Việt Thuận thì được thông báo đang chờ phía Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế gửi bằng.

Tuy nhiên, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế cho biết Trường Trung cấp Việt Thuận chưa thanh toán đủ kinh phí đào tạo theo hợp đồng. Việc chưa được nhận bằng tốt nghiệp đại học khiến các học viên gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm, thi tuyển biên chế cũng như ảnh hưởng đến các kế hoạch sắp tới.

ttxvn_ninh_thuan_2.jpg
Trường Trung cấp Việt Thuận, số 90A, đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Tấn Tài, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Trước đó, ngày 7/12/2023, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có bài phản ánh: “Hàng chục sinh viên học liên thông Đại học lỡ kỳ thi biên chế do chậm được phát bằng.”

Sau đó, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận (cơ quan chủ quản của trường) đã tổ chức kiểm tra, có báo cáo số 523/BC-SLĐTBXH ngày 12/12/2023 về kết quả xác minh thông tin tại Trường Trung cấp Việt Thuận.

Cụ thể, tổng kinh phí khóa học của 51 sinh viên là 1,53 tỷ đồng. Tính đến ngày 11/12/2023, Trường Trung cấp Việt Thuận đã thanh toán tiền học phí cho Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế 590 triệu đồng, còn nợ 940 triệu đồng.

Cũng theo báo cáo trên, từ năm 2019 đến nay, Trường Trung cấp Việt Thuận đã hai lần thay đổi Hội đồng Quản trị và Ban Giám hiệu. Việc thực hiện các hợp đồng giữa hai nhà trường do Hội đồng Quản trị cũ và Ban Giám hiệu cũ trước năm 2022 ký kết không được bàn giao đầy đủ lại cho Hội đồng Quản trị và Ban Giám hiệu mới.

Chính vì vậy, Trường Trung cấp Việt Thuận hiện chưa có đầy đủ thông tin để thực hiện việc quyết toán chi phí còn thiếu cho Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế gây ra khiếu kiện của 51 học viên và sự việc vẫn kéo dài đến nay.

Trường Trung cấp Việt Thuận đã đề xuất Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế cung cấp bản sao các hợp đồng, các bảng kê kinh phí thanh toán trước đây do Ban Giám hiệu hai nhà trường các nhiệm kỳ trước thực hiện, để có căn cứ thực hiện việc quyết toán kinh phí tiếp theo.

Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ngày 20/3, đại diện lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế xác nhận bằng tốt nghiệp đại học của các học viên đã ký, đóng dấu, chỉ chờ gửi, nhưng hiện Trường Trung cấp Việt Thuận vẫn chưa hoàn thành thanh toán kinh phí theo hợp đồng ký kết. Nhà trường đang làm việc với lãnh đạo Trường Trung cấp Việt Thuận, nếu trường này cam kết cụ thể, có trách nhiệm sẽ hoàn trả khoản kinh phí đào tạo còn lại thì Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế sẽ gửi bằng ngay.

Tiếp nhận thông tin từ báo chí, ông Trần Đức Long, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận, cho biết đơn vị sẽ rà soát, làm việc với Trường Trung cấp Việt Thuận để có hướng xử lý dứt điểm vụ việc.

Vụ việc "ngâm bằng" là lời cảnh báo cho các trường Trung cấp liên kết đào tạo cần có kế hoạch tài chính rõ ràng, minh bạch, đảm bảo không ảnh hưởng đến việc học tập, quyền lợi của học viên.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cần chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan vào cuộc thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm (nếu có), đồng thời có giải pháp hỗ trợ để các học viên sớm nhận được bằng tốt nghiệp đại học./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục