Nợ doanh nghiệp của Mỹ tăng lên mức kỷ lục 10.500 tỷ USD

Theo một báo cáo mới đây, tổng nợ của các doanh nghiệp Mỹ, dưới hình thức trái phiếu hoặc khoản vay, đang ở mức cao kỷ lục 10.500 tỷ USD, tăng gấp 30 lần so với mức tương ứng cách đây khoảng 50 năm.
Nợ doanh nghiệp của Mỹ tăng lên mức kỷ lục 10.500 tỷ USD ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Qaza times)

Theo báo cáo mới đây của công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường BofA Global Research, tổng nợ của các doanh nghiệp Mỹ, dưới hình thức trái phiếu hoặc khoản vay, đang ở mức cao kỷ lục 10.500 tỷ USD, tăng gấp 30 lần so với mức tương ứng cách đây khoảng nửa thế kỷ.

Tính tới nay, khoản nợ lớn nhất thuộc về các công ty Mỹ có xếp hạng tín dụng về “cấp độ đầu tư” cao, từ AAA đến BBB, một phân khúc thị trường mà tổng giá trị các khoản vay đã tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ qua, lên khoảng 7.200 tỷ USD.

[Giới doanh nghiệp Mỹ dự báo kinh tế tiếp tục phục hồi chậm]

Xếp hạng cao hơn sẽ là một điều kiện tốt đối với các chủ nợ, đặc biệt nếu hoạt động của các doanh nghiệp Mỹ diễn ra như các nhà đầu tư mong đợi và họ bắt đầu trả nợ khi mối đe dọa từ đại dịch COVID-19 được kiểm soát tốt hơn, nền kinh tế phục hồi và thu nhập của doanh nghiệp tăng trở lại.

Tuy nhiên, một nửa số nợ, tương đương 3.600 tỷ USD, thuộc về các doanh nghiệp có mức xếp hạng tín dụng sát ngưỡng BBB, chỉ cách cấp đánh giá “đầu cơ” hoặc "không đáng đầu tư" vài bước.

Đáng chú ý, các số liệu trên vẫn chưa bao gồm các khoản nợ mới do các công ty Mỹ phát hành trái phiếu với lãi suất cực thấp trong quý II/2020, khi đại dịch hoành hành ở khu vực Bắc Mỹ và khiến các doanh nghiệp tăng dự trữ tiền mặt để bù đắp những tổn thất do khủng hoảng COVID-19 gây ra.

Mối lo ngại lâu nay của các nhà đầu tư là suy thoái kinh tế hoặc chu kỳ hạ cấp xếp hạng tín dụng của các cơ quan xếp hạng tín nhiệm, bởi nó có thể phá hủy thị trường “trái phiếu rác”.

Theo BofA Global Research, triển vọng về nợ doanh nghiệp đã sáng sủa hơn kể từ tháng 3/2020, khi hàng loạt chương trình cứu trợ khẩn cấp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được tung ra để giữ dòng tín dụng tiếp tục lưu thông trong giai đoạn dịch bệnh. Điều này đã khiến thị trường chứng kiến “bước nhảy vọt” lịch sử của Fed khi lần đầu tiên mua lại nợ doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, vào đầu năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài là những người nắm giữ nợ doanh nghiệp lớn nhất của Mỹ, với 27%. Tiếp đến là các quỹ đầu tư với 22%, bao gồm các quỹ hỗ trợ và trao đổi.

Mối quan ngại lớn khác từ sự bùng nổ nợ doanh nghiệp kéo dài hàng thập kỷ qua là vai trò ngày càng tăng của các quỹ giao dịch hối đoái (ETF), mặc dù các tài sản của họ có thể nổi tiếng là có tính thanh khoản kém.

Tuy nhiên, hoạt động của phần lớn các quỹ ETF trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ đã diễn ra như mong đợi trong thời kỳ đại dịch tồi tệ nhất và tiếp tục phục hồi sau đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục