Bài 1: Tránh bệnh hình thức trong bảo đảm an toàn thực phẩm
Từ ngày 15/12/2022 tới tháng 3/2023, các địa phương trong cả nước cùng đồng loạt ra quân, tổ chức các đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành kiểm tra thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và mùa Lễ hội Xuân 2023.
“Đến hẹn lại lên,” cứ vào dịp cuối năm cũ, đầu năm mới thì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lại nóng hơn bao giờ hết.
Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu thụ tăng vọt, các cơ quan chức năng vốn thiếu nhân lực và phương tiện lại càng khó kiểm soát thị trường và các đối tượng làm ăn vô trách nhiệm lại tranh thủ “đục nước béo cò.”
Hoàn chỉnh chính sách, pháp luật
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về vấn đề an toàn thực phẩm thì lĩnh vực này đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân về an toàn thực phẩm có chuyển biến tích cực; sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng được quan tâm.
Hệ thống văn bản pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế. Bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu sạch và chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Không ít cấp ủy đảng, chính quyền chưa quyết liệt, thiếu chủ động, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Mô hình quản lý chưa đồng bộ, hiệu quả thấp; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm chưa chặt chẽ, còn nhiều kẽ hở.
[Lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm dịp Tết 2023]
Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; tình trạng buôn lậu thực phẩm qua biên giới, quảng cáo thực phẩm sai sự thật, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú ý, thuốc kích thích tăng trưởng diễn biến phức tạp; an toàn thực phẩm trong các khu công nghiệp, cơ sở giáo dục chưa bảo đảm… ảnh hưởng lớn tới an ninh, an toàn thực phẩm.
Bởi vậy, thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 21/10/2022 đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đã ký ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Một trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; các nguyên tắc, chế tài xử lý vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm, sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh, hóa chất không rõ nguồn gốc trong tất cả các khâu, từ nguyên liệu đến sản xuất, chế biến, kinh doanh, bảo quản thực phẩm; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, kiểm nghiệm, bảo đảm truy xuất rõ nguồn gốc.
Trước đó, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cũng luôn được Quốc hội, Chính phủ, các bộ có liên quan rất quan tâm.
Vào năm 2010, Quốc hội đã ban hành Luật An toàn thực phẩm và Chính phủ đã ban hành các Nghị định hướng dẫn để thi hành Luật. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 13 về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Trong đó, Thủ tướng quy trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm cho người đứng đầu đơn vị.
Trong năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 17 về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tại các tuyến cơ sở.
Năm 2008, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư liên tịch số 08 hướng dẫn công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho các cơ sở giáo dục.
Vào năm 2016, hai bộ tiếp tục ban hành thông tư Liên tịch số 13 quy định về công tác y tế trường học. Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1246/2017 về hướng dẫn thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn đối với các cơ sở dịch vụ ăn uống, cũng như hướng dẫn chuyên môn khác.
Bộ Y tế cũng luôn yêu cầu các địa phương thường xuyên kiểm tra, thanh tra theo hướng dẫn của Bộ. Căn cứ vào các quy định liên tịch, Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương triển khai kiểm tra, đánh giá về vệ sinh an toàn thực phẩm trong các bếp ăn tập thể, đặc biệt là bếp ăn trường học.
Bên cạnh đó, hằng năm Cục An toàn thực phẩm của Bộ Y tế cũng tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn về phòng, chống ngộ độc đối với bếp ăn tập thể với sự tham gia của các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm địa phương, cơ quan quản lý giáo dục và đại diện các đơn vị, trường học có bếp ăn tập thể.
Các địa phương hằng năm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm trong nhà trường. Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội từ đầu năm 2022 đến nay đã kiểm tra hơn 200 bếp ăn tập thể. Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh trong năm học 2021-2022 đã kiểm tra 3.939 bếp ăn tại các trường học.
Không hiệu quả nếu chống ở phần ngọn
Vụ ngộ độc thực phẩm ngày 17/11/2022 tại Trường iSchool Nha Trang (Khánh Hòa) khiến gần 700 học sinh nhập viện, trong đó có 1 học sinh tử vong, là thêm một dẫn chứng cho thấy rằng trong những năm gần đây vấn đề an toàn thực phẩm học đường đã trở nên rất nóng. Trước đây, những vụ ngộ độc thực phẩm tập thể thường xảy ra tại bếp ăn của các nhà máy, xí nghiệp.
Sự việc tại Trường iSchool Nha Trang cũng cho thấy công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ở các bếp ăn trường học nhìn chung trên cả nước vẫn còn mang nặng tính lý thuyết, hình thức, thiếu chuyên nghiệp.
Cụ thể, thành phố Hà Nội có 4.526 cơ sở giáo dục với 4.538 bếp ăn tập thể và căng tin. Bếp ăn tập thể học đường có các hình thức: Tự tổ chức nấu, liên kết ký hợp đồng với nhà thầu, ký hợp đồng cung cấp suất ăn sẵn.
Từ năm 2010 đến đầu năm 2022, tại Hà Nội đã xảy ra 27 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số 640 nạn nhân nhưng không có trường hợp tử vong. Trong số này có 8 vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể trường học, chiếm 47,1%.
Trong 2 năm 2021 và 2022, Sở Y tế Hà Nội lập kế hoạch kiểm soát an toàn thực phẩm tại 100% bếp ăn tập thể của 215 trường tiểu học thuộc 10 quận, huyện gồm Đống Đa, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Ba Vì, Đông Anh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Quốc Oai. Tại những quận, huyện nói trên, các trường đều cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm cho học sinh bằng cách công khai cơ sở cung cấp suất ăn, nguồn gốc thực phẩm, quy trình giao nhận, chế biến; thực đơn bữa ăn, danh sách ban giám hiệu, giáo viên, phụ huynh học sinh tham gia giám sát.
Nhiều trường còn thành lập tổ giám sát an toàn thực phẩm, có ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia, còn ban giám hiệu phân công lịch trực nhận thực phẩm cho các lớp. Lớp nào trực thì đại diện ban phụ huynh lớp đó sẽ đến kiểm tra, giám sát cùng. Có trường còn quản lý những người ra, vào khu vực bếp, bảo đảm an toàn trong suốt quá trình chế biến.
Dù quy trình kiểm soát chặt chẽ là vậy nhưng vẫn xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể. Theo các chuyên gia, nguyên nhân của nhiều vụ ngộ độc không nằm ở quy trình chế biến mà ở chất lượng thực phẩm được cung cấp đến bếp ăn.
Việc kiểm nghiệm thực phẩm của các trường chỉ được thực hiện bằng mắt thường, không có các thiết bị phân tích nên các vi khuẩn độc hại sẽ bị bỏ lọt nếu cơ sở hậu cần cung cấp cho bếp ăn thực phẩm kém chất lượng.
Thực tế cho thấy, sau khi xảy ra sự việc thì cơ quan chức năng mới xử lý vi phạm. Như vậy, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm chỉ mới giải quyết ở phần ngọn, trong khi điều cần thiết là “phòng độc hơn chữa độc.”
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn học đường được chú trọng. Tuy nhiên, việc tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng và chống ngộ độc thực phẩm trong trường học mới chỉ dừng lại ở mức độ lý thuyết là chính.
Theo bà Ngô Nguyễn Thiên Trang, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình), các nhân viên cấp dưỡng, nhân viên y tế của nhà trường được tập huấn quy trình quản lý nhà bếp, yêu cầu tiếp phẩm và xử lý tình huống khi phát hiện học sinh có biểu hiện ngộ độc theo quy trình nội dung do các báo cáo viên đưa ra. Nhưng họ chưa được dự lớp tập huấn theo tình huống giả định.
Bà Trần Bé Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (Quận 1), cho biết, nhà trường đã tổ chức tập huấn về mặt quy trình nhưng chưa tổ chức diễn tập theo tình huống giả định có trường hợp học sinh ngộ độc.
Ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 8, cũng thừa nhận rằng các lớp tập huấn về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mới chỉ diễn ra theo hình thức tập huấn quy trình lý thuyết giám sát thực phẩm đầu vào, kiểm tra quy trình sơ, chế biến… Theo ông, nếu các buổi tập huấn tình huống giả định tương tự như tập huấn phòng cháy, chữa cháy tại các trường chưa được tổ chức thì Quận 8 sẽ tổ chức tập huấn theo tình huống giải đáp.
Ngoài những nguyên tắc hướng dẫn chung về phòng, chống ngộ độc thực phẩm thì các trường đưa ra các tình huống cụ thể, người phụ trách chuyên môn y tế sẽ giải đáp, hướng dẫn cụ thể cách thức xử trí, sơ cứu ban đầu khi có học sinh có biểu hiện ngộ độc.
Trong năm 2022, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành 12 buổi tập huấn, mỗi lớp có khoảng 200-250 người tham gia. Đó là các chuyên viên y tế trường học của phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện, nhân viên y tế của những trường học có bếp ăn tập thể, tổ chức suất ăn công nghiệp./.