Bảo hộ đèn lồng Hội An

Nỗ lực bảo vệ thương hiệu đèn lồng Hội An

Từ khi được bảo hộ nhãn hiệu, đèn lồng Hội An được đưa ra thị trường chuyên nghiệp hơn, ghi rõ nhà sản xuất, tiêu chuẩn, hạn dùng.
Đơn giản, dễ làm, đem lại thu nhập cao, đó chính là những điều mà người Hội An có được khi đến với nghề làm đèn lồng. Và cũng chính vì điều đó, tại nhiều nơi trong nước, đèn lồng Hội An trở thành một cái tên được nêu ra để thu hút khách hàng, dẫu rằng bản thân nó không phải là sản phẩm của người Hội An.

Ông Đỗ Đình Phô, Phó phòng Kinh tế thành phố Hội An, cho biết: “Ngay từ khi sản phẩm đèn lồng trở thành thương hiệu của Hội An, chúng tôi đã nghĩ ngay đến việc phải làm sao để có được bảo hộ độc quyền cho sản phẩm này. Đó không chỉ là chuyện thương hiệu của một sản phẩm mà còn là uy tín chất lượng của một sản phẩm gắn liền với hình ảnh Di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An“.

Từ chỗ chỉ có vài ba hộ làm đèn lồng, đến nay cả thành phố Hội An có 43 hộ cá thể kinh doanh sản xuất đèn lồng, với hơn 170 lao động. Với 150.000 sản phẩm đèn lồng/năm, doanh thu mỗi năm của các hộ đạt trên 4 tỷ đồng.

Thấy được những lợi ích cũng như cơ hội từ việc bảo hộ nhãn hiệu, Phòng Kinh tế thành phố đã phổ biến nội quy và cách thức tham gia.

Việc đèn lồng Hội An được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tập thể là bước đi quan trọng trong nỗ lực bảo vệ thương hiệu vốn được xem là hồn của phố cổ.

Kể từ khi được bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm tập thể, đèn lồng Hội An được đưa ra thị trường một cách chuyên nghiệp hơn khi có đính kèm tên hàng hóa, tiêu chuẩn được công bố rõ ràng, nơi sản xuất, địa chỉ nhà sản xuất và thời hạn sử dụng. Con số 20-30.000 đèn lồng được xuất ra mỗi tháng đã nói lên được sự lớn mạnh không ngừng của ngành sản xuất đèn lồng Hội An.

Ngoài việc nghiên cứu dự án chống mối mọt bảo vệ đèn lồng, hàng năm chính quyền thành phố Hội An còn tổ chức những cuộc thi làm đèn lồng để làm phong phú và đa dạng hơn các sản phẩm của mình.

Bài học từ thương hiệu đèn lồng Hội An, cùng với Giấy chứng nhận Bảo hộ sản phẩm Mộc Kim Bồng của Hợp tác xã Dịch vụ-Du lịch làng nghề truyền thống Kim Bồng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp ngày 18/12/2008 đã nói lên được nhận thức ngày càng cao của người kinh doanh trong việc sở hữu và bảo vệ thương hiệu do chính mình và tập thể làm nên.

Tuy nhiên, không phải người kinh doanh nào cũng nhìn ra được những ích lợi để có ý thức bảo vệ thương hiệu đèn lồng Hội An. Đến nay, sau 2 năm nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ, chỉ có 25 hộ cá thể tham gia. Số hộ còn lại  cho rằng chỉ hoạt động nhỏ lẻ nên không cần phải đăng ký kinh doanh,  cũng đồng nghĩa với việc không được bảo hộ sản phẩm.

Với những hộ này, việc đảm bảo chất lượng hàng hóa đối với họ là điều không dễ, do không có sự ràng buộc cũng như quy định cụ thể nào về việc đảm bảo chất lượng cho đèn lồng Hội An.

Ông Đỗ Đình Phô, Phó phòng Kinh tế thành phố Hội An trăn trở: “Chúng tôi chỉ mong thời gian tới, những hộ cá thể còn lại sẽ tự nguyện tham gia và cần phải đặt lợi ích tập thể lên trên hết. Chúng ta đang sống tốt hơn nhờ những chiếc đèn lồng thì chúng ta phải biết cùng nhau bảo vệ và phát huy nó. Chất lượng và uy tín đèn lồng Hội An phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người sản xuất. Chúng tôi sẽ cố gắng thuyết phục và làm cho họ hiểu được rằng việc đăng ký để được bảo hộ sản phẩm là cần thiết và quan trọng hơn hết. Những nỗ lực cho việc bảo vệ thương hiệu tập thể đèn lồng Hội An được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và nhận được nhiều sự quan tâm của các ngành chức năng“./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục