Nỗ lực hoàn thành bồi thường sự cố môi trường biển trước cuối tháng 6

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ chi trả bồi thường người dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển, đảm bảo hoàn thành trước ngày 30/6/2017.
Nỗ lực hoàn thành bồi thường sự cố môi trường biển trước cuối tháng 6 ảnh 1Người dân thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vinh Linh, tỉnh Quảng Trị làm thủ tục nhận tiền đền bù sự cố môi trường biển. (Ảnh Trần Tĩnh/TTXVN)

Chiều 7/6, cuộc họp lần thứ 8 của Ban Chỉ đạo về các giải pháp ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển đã diễn ra tại Trụ sở Chính phủ.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Cuối tháng Sáu, hoàn thành việc bồi thường cho người dân

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, 4 tỉnh miền Trung đã thành lập các đoàn công tác liên ngành kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác kê khai, bồi thường thiệt hại cho nhân dân bị ảnh hưởng sự cố môi trường.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, việc xử lý sự cố môi trường biển miền Trung đặt ra yêu cầu phải vừa khắc phục hậu quả vừa tạo điều kiện phát triển đời sống, tạo sinh kế cho người dân; triển khai thực hiện các dự án về tái tạo lại nguồn lợi thủy sản, đảm bảo hệ thống quan trắc môi trường.

Trong thời gian qua, các bộ, ngành, các cấp, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đã nỗ lực, vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm, hỗ trợ đảm bảo ổn định cuộc sống cũng như an ninh, trật tự xã hội tại 4 tỉnh miền Trung.

Đến nay, công tác kê khai, bồi thường thiệt hại đảm bảo công khai, minh bạch, chặt chẽ, không để xảy trường hợp bồi thường không đúng; trong đó, có sự tham gia giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn đoàn thể và cộng đồng.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ công tác kê khai, chi trả bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển theo đúng Quyết định số 1880/QĐ-TTg và Quyết định số 309/QĐ-TTg, đảm bảo hoàn thành trước ngày 30/6/2017.

Phó Thủ tướng giao Ủy ban Nhân dân các tỉnh rà soát, kiểm tra để đảm bảo bồi thường đúng người, đúng đối tượng, không để bỏ sót người dân bị ảnh hưởng mà chưa được bồi thường thiệt hại.

Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục theo dõi, tổ chức kiểm nghiệm để cập nhật, công khai kết quả chất lượng an toàn thực phẩm của hải sản, chất lượng nước vùng biển ở 4 tỉnh miền Trung.

"Bộ Y tế tiếp tục kiểm nghiệm chất lượng hải sản tầng đáy khu vực gần bờ trên cơ sở có phân tích đối chiếu các chỉ số an toàn của hải sản của các tỉnh lân cận và tham chiếu quốc tế. Nếu chưa đảm bảo an toàn, tuyệt đối không cho người dân khai thác, đánh bắt hải sản ở tầng đáy," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

[Trên 2.000 tỷ đồng hỗ trợ người dân bị thiệt hại do sự cố biển]

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi giám sát liên tục, chặt chẽ việc đảm bảo các quy định về môi trường của Công ty Formosa không chỉ về nước thải mà cả khí thải và chất thải rắn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, khảo sát mức độ phục hồi của hệ sinh thái biển các tỉnh miền Trung. Từ đó, tiến hành xây dựng, triển khai các dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản, dự án dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ phát triển kinh tế biển, du lịch.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tiếp tục nắm bắt, theo dõi chặt chẽ, đảm bảo an ninh trật tự ở 4 tỉnh miền Trung; xử lý, nghiêm trị những hành vi lợi dụng chính sách tôn giáo, dân tộc của Đảng, Nhà nước để chống phá, kích động gây mất an ninh trật tự; phòng ngừa những vụ việc tiêu cực trong bồi thường thiệt hại nếu có xảy ra.

Đời sống người dân cơ bản ổn định

Theo báo cáo, hoạt động sản xuất thủy sản, du lịch và đời sống người dân trên địa bàn 4 tỉnh miền Trung đã cơ bản ổn định. Nguồn lợi thủy sản đã có sự phục hồi, nhiều loại cá cơm, cá nục, cá khoai, ruốc... xuất hiện.

Người dân tích cực bám biển sản xuất, từng bước chuyển đổi các nghề khai thác tầng đáy như lồng bẫy, lưới rê đáy sang khai thác ở vùng biển xa bờ.

Số lượng tàu thuyền ra khơi đánh bắt trên biển đã tăng và dần trở lại bình thường: tàu khai thác ven bờ đạt từ 70 - 80%; tàu khai thác vùng lộng, vùng khơi đạt từ 85 - 90%. Sản lượng khai thác hải sản quý I/2017, đạt 25.386 tấn, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng nuôi thủy sản tương đương cùng kỳ năm 2016. Tổng sản lượng nuôi của 4 tỉnh trong quý I/2017 là 6.279 tấn, tăng 3,12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoạt động kinh doanh buôn bán thủy sản hoạt động trở lại, người tiêu dùng đã yên tâm tiêu thụ các sản phẩm hải sản, giá hải sản trở lại bình thường theo mặt bằng giá chung của toàn quốc. Tuy nhiên, hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản vẫn còn có một số khó khăn nhất định như: cơ sở vật chất, vốn trong quá trình khôi phục sản xuất.

Về du lịch, các tỉnh đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, liên kết, xúc tiến du lịch, quảng bá hình ảnh du lịch, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, tăng cường cải thiện nâng cấp cơ sở lưu trú, chuẩn bị cho mùa du lịch 2017.

Đến nay, người dân đã quay về với du lịch biển, các hoạt động du lịch biển có chuyển biến mạnh, lượng du khách tăng nhanh./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục