Nỗ lực lành mạnh hóa hoạt động xuất bản-in và phát hành sách

Ngành xuất bản cần quy hoạch lại các nhà xuất bản hoạt động kém hiệu quả, chuẩn hóa đội ngũ biên tập viên và chuyên nghiệp hóa hơn nữa hoạt động xuất bản-in, phát hành sách.
Nỗ lực lành mạnh hóa hoạt động xuất bản-in và phát hành sách ảnh 1Ngành xuất bản cần nâng cao năng lực hoạt động xuất bản, in ấn để cung cấp các ấn phẩm chất lượng cho độc giả. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Theo thống kê của Cục Xuất bản-in-phát hành, năm 2014 ngành xuất bản đã tăng 50 triệu bản sách so với 10 năm trước.

Đây là kết quả đáng tự hào của ngành xuất bản bởi những năm gần đây ngành đã xuất bản được nhiều sách hay, sách tốt đáp ứng được nhu cầu đọc sách ngày càng cao của xã hội.

Mặc dù vậy, để trên thị trường sách không xuất hiện những cuốn sách kém chất lượng cần chuyên nghiệp hóa hơn nữa trong hoạt động xuất bản-in và phát hành sách.

 
Nâng cao năng lực của các nhà xuất bản

Việc liên kết xuất bản (tức là nhà xuất bản liên kết với các công ty sách, trong đó công ty sách cung cấp bản thảo sách còn nhà xuất bản duyệt và cấp giấy phát hành sách cho công ty sách) được xem là một bước tiến đáng kể của ngành xuất bản nhằm huy động được mọi nguồn lực của toàn xã hội.

Qua đó, ngoài nguồn thu từ sách làm theo kế hoạch của chính nhà xuất bản (sách A), nhà xuất bản còn có thêm một nguồn thu đáng kể từ việc phát hành sách liên kết (sách B). Tuy nhiên, hoạt động liên kết này thời gian qua bộc lộ nhiều sai sót.

Đến nay, hàng năm hoạt động xuất bản theo phương thức liên kết xuất bản đã đóng góp từ 70-80% tổng sản lượng sách phục vụ cho nhân dân cả nước. Tuy nhiên, vẫn có nhiều đối tác liên kết đã lợi dụng sự yếu kém của các nhà xuất bản để xuất bản ra thị trường những loại sách kém chất lượng.

“Thông qua liên kết xuất bản được Luật xuất bản cho phép, lợi dụng những yếu kém của đội ngũ nhân viên xuất bản, lợi dụng kẽ hở của quy trình xuất bản, các đơn vị liên kết xuất bản đã không ngần ngại tung ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, đầu độc và chiều theo thị hướng nhất thời của người đọc nhằm thu được lợi nhuận càng nhiều càng tốt, bất chấp đạo đức kinh doanh và lòng tự trọng của người làm nghề kinh doanh sản phẩm tri thức.” Bà Quách Thu Nguyệt, Viện nghiên cứu phát triển giáo dục IRED, tham gia giảng dạy tại Khoa Xuất bản trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh nhận định.

Trên thực tế, không thể đỗ lỗi hết cho đối tác liên kết “nắm quyền,” gây sức ép cho nhà xuất bản để được cấp phép xuất bản. Nguyên nhân vẫn là từ các nhà xuất bản. Nhiều nhà xuất bản do khó khăn, sẵn sàng giảm các khâu biên tập bản thảo, rút ngắn thời gian cấp phép, không cần hậu kiểm để cận cạnh tranh với các nhà xuất bản khác nhằm thu hút đối tác liên kết.

Theo ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin truyền thông thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù đến nay chúng ta chỉ có 63 nhà xuất bản nhưng ngành xuất bản cần quy hoạch lại các nhà xuất bản hoạt động kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, hầu hết các nhà xuất bản không được cấp vốn từ cơ quan chủ quản, họ phải tự xoay sở để tồn tại.

Chính vì vậy, cơ quan chủ quản của các nhà xuất bản cũng cần có những chính sách hỗ trợ các nhà xuất bản như cấp kinh phí hoạt động, đặt hàng để tạo điều kiện cho nhà xuất bản hoạt động tốt hơn.

Có như vậy, các nhà xuất bản mới tránh được tình trạng cứ phải “lay hoay” giải quyết bài toán giữa nhiệm vụ được giao với hiệu quả sản xuất kinh doanh.


Chuẩn hóa đội ngũ biên tập viên

Theo Cục xuất bản-in-phát hành, tính đến năm 2014 số lượng biên tập viên ở các nhà xuất bản khoảng 1.193 người, chiếm 21,6% tổng số lao động toàn ngành.

Trong khi đó, số lượng biên tập viên tốt nghiệp ngành xuất bản chỉ chiếm 5,5%. Qua đó, có thể thấy nguồn nhân lực ở các nhà xuất bản còn thiếu hụt và yếu kém.

Ông Lê Nguyên Đại, Giám đốc Công ty Thời đại chia sẻ dựa theo con số thống kê của Cục xuất bản-in-phát hành nếu tính bình quân thì mỗi nhà xuất bản có 20 biên tập viên và để làm ra tổng số tựa sách khoảng 25.000 cuốn thì mỗi biên tập viên phải xử lý khoảng 20 tựa.

Nhưng thực tế không phải như vậy, qua tìm hiểu cụ thể thì số lượng biên tập viên của các nhà xuất bản nhiều hay ít khác nhau, trong khi đó số tựa sách của các nhà xuất bản có thể xuất bản lại không tỷ lệ thuận theo số người biên tập.

Vì thế, có nhà xuất bản chỉ có 5, 7 biên tập viên nhưng lại thực hiện kế hoạch đề tài với 5, 7 trăm tựa còn hơn những nhà xuất bản có số lượng biên tập viên nhiều gấp mấy lần.

Với khối lượng công việc như vậy, biên tập viên không thể làm tốt công việc của mình, bởi vậy, các nhà xuất bản rất cần bổ sung thêm đội ngũ biên tập viên.

Không chỉ tăng số lượng đội ngũ biên tập viên, việc nâng cao chất lượng đội ngũ biên tập viên cũng không kém phần quan trọng. Phần lớn, đội ngũ biên tập viên ở các nhà xuất bản còn trẻ nhưng lại thiếu rèn luyện và thử thách. Thậm chí, không ít trong số họ còn xem nhẹ chức năng giáo dục của sách đã dẫn đến không ít sai sót trong những tác phẩm.

Theo bà Quách Thu Nguyệt, để khắc phục những yếu kém của nguồn lực biên tập viên chúng ta cần có chiến lược tuyển dụng, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ biên tập viên cơ hữu cho từng nhà xuất bản.

Hiện nay đào tạo cho chức danh biên tập viên chỉ tập trung ở một số cơ sở giáo dục như Học viện báo chí tuyên truyền, Đại học Văn hóa ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và chỉ tiêu tuyển sinh ở các cơ sở này rất thấp. Chính vì vậy, ngành giáo dục cần tăng thêm chỉ tiêu tuyển sinh cho chức danh này; đồng thời cần đa dạng hóa các hình thức đào tạo (đào tạo chính quy, vừa học vừa làm)...

Ngoài ra, các nhà xuất bản cần khuyến khích biên tập viên tự nâng cao vốn văn hóa, hiểu biết sâu về lĩnh vực sách mình phụ trách biên tập, tránh tình trạng có biên tập viên đa năng, lĩnh vực nào cũng biên tập dù không hiểu rõ.

Mặt khác, nghề biên tập viên là nghề cần “độ chín” và sự trải nghiệm nghề nghiệp cũng như vốn sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục