Nợ - mối đe dọa lớn nhất đối với triển vọng kinh tế Anh

Mọi quốc gia đều phải đối mặt chi phí khổng lồ do hậu quả đại dịch, nhưng hầu như không nước nào vay nhiều hơn Vương quốc Anh. Tuy nhiên, lãi suất trả cho khoản nợ quốc gia 2.200 tỷ bảng là rất nhỏ.
Nợ - mối đe dọa lớn nhất đối với triển vọng kinh tế Anh ảnh 1Quang cảnh bên ngoài Ngân hàng Trung ương Anh ở London. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bắt đầu, COVID-19 không còn là nỗi sợ hãi lớn nhất ám ảnh chính phủ Anh. Số ca bệnh đang tăng vọt khiến Cố vấn Y tế trưởng Chris Whitty lo lắng, nhưng mọi thứ hiện tại cho thấy số người nhập viện sẽ vẫn trong tầm kiểm soát. Các loại vaccine đang cho thấy tác dụng.

Nếu có sự cố xảy ra, nước Anh đã có một nút khẩn cấp mà họ từng sử dụng trước đó: phong tỏa, hỗ trợ trả tiền lương, chi trả bồi thường cùng vay mượn một lượng tiền lớn. Tuy nhiên, theo tờ Telegraph, lo ngại lớn hiện nay là điều gì sẽ xảy ra nếu chiếc nút khẩn cấp đó không hoạt động?

“Cỗ máy in tiền” của Ngân hàng trung ương Anh hầu như không được nghỉ ngơi kể từ lần phong tỏa đầu tiên. Và kết quả giống như một phép màu: Khoảng 450 tỷ bảng (tương đương 619,5 tỷ USD) đã được tiêu hết ngay khi vừa in ra.

Vì vậy, ở mọi ngã rẽ trong cuộc khủng hoảng này, các bộ trưởng đều có thể chi tiêu. Chính phủ hiện xét nghiệm miễn phí cho tất cả mọi người dân, bên cạnh 22 tỷ bảng cho ứng dụng Xét nghiệm & Truy vết.

Ngay cả bây giờ, khi số vị trí thiếu nhân công đang tăng lên, Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak vẫn đang trả cho hàng triệu người gần bằng mức lương đầy đủ để họ tiếp tục nghỉ phép. Điều này giúp giảm thiểu thiệt hại kinh tế, nhưng với một cái giá khá đắt.

Trong thời kỳ khủng hoảng, mọi hành động hào phóng đều có ý nghĩa. Thời điểm đó, tiền chi cho vaccine ngừa COVID-19 mang tính rủi ro cao và "canh bạc" này đã được đền đáp xứng đáng. Nhưng điều bất thường là Thủ tướng Boris Johnson không bao giờ lo lắng về việc lấy tiền ở đâu ra: Ngân hàng trung ương Anh đã in đủ tiền ông muốn.

[Lạm phát của Anh tăng lên gần mức cao nhất của 3 năm]

Chính sách nới lỏng định lượng ưu tiên Chính phủ lên hàng đầu đối với các khoản vay có lãi suất thấp nhất. Và chính sách này đã trở thành “cây rụng tiền ma thuật” mới, một công cụ mà những nghị sỹ đảng Bảo thủ không ngừng tận dụng. Liệu một ngày nào đó, khi tất cả những điều này vượt tầm kiểm soát, lạm phát có phi mã? Đó là một rủi ro. Nhưng trong 11 năm triển khai chính sách nới lỏng định lượng, điều đó vẫn chưa xảy ra.

Mối đe dọa lạm phát giờ đây không còn là lý thuyết khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đổ hàng nghìn tỷ USD đi vay vào nền kinh tế vốn đã phát triển mạnh mẽ.

Lạm phát tháng 6/2021 của Mỹ đạt 5,4% - mức cao nhất trong 13 năm. Điều này khiến Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak vô cùng lo lắng. Ông đã liên lạc với người đồng cấp Mỹ và bị ấn tượng bởi sự khác biệt lớn giữa họ: Mỹ lưu tâm đến việc lạm phát gia tăng, nhưng cho rằng đó là rủi ro đáng giá và Washington có thể xử lý vấn đề này. Nhưng đối với Anh, đó là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Ông Rishi Sunak là một trong những Bộ trưởng Tài chính bảo thủ về mặt tài chính, nhưng điều mỉa mai là trong chín tháng nhậm chức đầu tiên của mình, ông đã vay nhiều hơn người tiền nhiệm Gordon Brown vay trong chín năm cộng lại.

Ông đang làm việc cho một Thủ tướng rất thoải mái trong việc vay nợ và COVID-19 đã biến ông thành một người viết các chi phiếu hơn là một người thiết lập ngân sách.

Mọi quốc gia đều phải đối mặt với chi phí khổng lồ do hậu quả của đại dịch, nhưng hầu như không nước nào vay nhiều hơn Vương quốc Anh. Tuy nhiên, lãi suất trả cho khoản nợ quốc gia 2.200 tỷ bảng là rất nhỏ.

Đây là những gì có thể thay đổi, theo một cách khá ấn tượng. Đó chính là cái mà một vị Bộ trưởng gọi là “bom nợ,” một tác dụng phụ của việc in tiền. Vị Bộ trưởng này nói: “Nó giống như các khoản thế chấp dưới chuẩn. Cực kỳ phức tạp, nhưng hậu quả rất lớn. Nếu nó không quá khó hiểu, thì sẽ có nhiều người tỏ ra lo ngại hơn."

Một phần là do Vương quốc Anh có số nợ lớn bất thường gắn với lạm phát. Vì vậy cũng giống như một khoản thế chấp dễ thay đổi, các khoản chi trả lãi suất có thể tăng đột ngột. Nhưng nó đang trở nên phức tạp hơn.

Các kỳ phiếu IOU ( giấy chứng minh vay mượn không chính thức) do Chính phủ Anh phát hành được Ngân hàng trung ương Anh mua lại có thời gian đáo hạn trung bình là 13 năm. Đây là một kỳ hạn khá dài theo tiêu chuẩn quốc tế.

Trước kia, điều này có nghĩa là nước Anh có thể vượt qua bất kỳ cơn bão ngắn hạn nào. Nhưng các khoản nợ được Ngân hàng trung ương Anh phát hành để trả cho những kỳ phiếu này có lãi suất qua đêm, nên thực tế thời gian đáo hạn nợ đã rút ngắn xuống còn 4 năm.

Một câu chuyện phức tạp nhưng có kết cục đơn giản: Việc in tiền này khiến Anh dễ bị tổn thương hơn nhiều trước sự thay đổi của lãi suất. Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR) đã biến nó thành một thống kê tàn nhẫn. Nếu lãi suất tăng thêm chỉ 1% - mức vẫn còn rất thấp theo tiêu chuẩn lịch sử - các khoản thanh toán lãi suất hàng năm của Anh sẽ tăng thêm 21 tỷ bảng.

Bộ trưởng Rishi Sunak sẽ phải tìm ra số tiền trên chỉ để thanh toán các hóa đơn của Anh. Khoản tiền này tương đương hai lần ngân sách viện trợ quốc tế, mà việc cắt giảm khoản viện trợ quốc tế đang gây ra những bất đồng chính trị lớn. Và 21 tỷ bảng này chẳng phải để trả lương cho một y tá hay chi phí cho việc tuyển dụng một cảnh sát nào, mà chỉ là để trả lãi các khoản nợ.

Thực hư mối đe dọa này như thế nào? Có phải chỉ là lời đồn nhảm? Ông Andy Haldane, nhà kinh tế trưởng sắp mãn nhiệm của Ngân hàng trung ương Anh, đã từng cảnh báo về việc “con hổ lạm phát” có thể bất ngờ tấn công nền kinh tế.

Ông đặt câu hỏi tại sao lại tiếp tục in tiền khi nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ như vậy? Và đừng nghĩ rằng những động thái của Tổng thống Biden không có tác động gì. Ông cho rằng thị trường nợ của Anh “nhảy theo một giai điệu được thiết lập ở Mỹ,” vì vậy các xu hướng ở đó có thể nhanh chóng ảnh hưởng tới đây.

Chuyên gia Haldane gần đây lo lắng hơn hầu hết những nghị sĩ Bảo thủ khác về thập kỷ vay nợ. Ông nói tiền rẻ không phải là giải pháp cho bất kỳ vấn đề kinh tế nào, vì một quốc gia cần đầu tư, cơ sở hạ tầng và lao động có kỹ năng.

Một báo cáo của Thượng viện đã liệt kê những tác dụng phụ nguy hại khác của chính sách nới lỏng định lượng: làm tăng giá tài sản, làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng xã hội. Nhưng nếu mọi người bắt đầu nghĩ rằng Ngân hàng trung ương Anh không độc lập mà chịu ảnh hưởng dưới sự "giật dây" của Chính phủ, thì thị trường có thể đã nổi loạn và lãi suất tăng đột biến.

Một nghị sỹ Bảo thủ từng nói: "Nếu Chính phủ của ông Boris Johnson sụp đổ, đó có thể là do điều này."

Tất nhiên, cuộc khủng hoảng này có thể không bao giờ xảy ra. Lãi suất có thể ở mức thấp đáng kinh ngạc và cần chú ý là rất ít nhà kinh tế chia sẻ nỗi sợ hãi của ông Haldane về lạm phát.

Nhưng nhìn lại một lần nữa, đã có bao nhiêu nhà kinh tế học thấy trước cuộc khủng hoảng gần đây nhất? Nếu lãi suất tăng đột biến và nước Anh rơi vào vòng xoáy hoảng loạn, Nữ hoàng có thể một lần nữa phải đặt câu hỏi: Tại sao không ai thấy điều này sắp xảy ra?

Lần này, họ có thể nhìn thấy nó. Chỉ là không ai trong Chính phủ công khai nói về điều đó. Nhưng con số của OBR về quả "bom nợ" - rằng lãi suất tăng 1% sẽ tiêu tốn 21 tỷ bảng - là con số mà cả Thủ tướng và Bộ trưởng tài chính có thể đọc thuộc lòng trong các cuộc họp.

Đây là di sản của chính sách nới lỏng định lượng, mối đe dọa kinh tế lớn nhất đối với Chính phủ và Thanh kiếm Damocles có thể rơi xuống đầu họ bất cứ lúc nào./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục