Nội các mới của Nhật Bản tuyên thệ nhậm chức

Nội các mới của Nhật đứng đầu là Thủ tướng Abe đã tuyên thệ nhậm chức với trọng tâm khôi phục kinh tế, tái thiết vùng Đông Bắc.
Tối 26/12, Nội các mới của Nhật Bản đứng đầu là Thủ tướng Shindo Abe đã tuyên thệ nhậm chức.

Trước đó, tại phiên họp toàn thể của Quốc hội Nhật Bản vào sáng cùng ngày, Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) Shinzo Abe đã được bầu làm thủ tướng mới của nước này, sau khi ông giành được 328/478 phiếu ủng hộ tại Hạ viện và trải qua 2 vòng bỏ phiếu ở Thượng viện.

Chiều cùng ngày, Chánh Văn phòng Nội các mới của Nhật Bản Yoshihide Suga đã công bố thành phần nội các mới, gồm 18 thành viên, trong đó ông Taro Aso được cử làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính.

Nội các mới của tân Thủ tướng Abe sẽ tập trung vào việc khôi phục kinh tế, tái thiết vùng Đông Bắc bị ảnh hưởng bởi động đất-sóng thần cũng như sự cố hạt nhân Fukushima hồi năm ngoái.

Với mục tiêu này, ông Abe đã bổ nhiệm những chính trị gia giàu kinh nghiệm vào các vị trí quan trọng điều hành nền kinh tế và tài chính như Bộ trưởng Phụ trách Dịch vụ tài chính Toshimitsu Motegi làm Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp; Hạ nghị sĩ Akira Amari làm Bộ trưởng Phục hồi kinh tế; Hạ nghị sĩ Takami Nemoto làm Bộ trưởng Phụ trách tái thiết.

Về chính sách đối ngoại, Thủ tướng Abe nhấn mạnh trọng tâm tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ và cải thiện quan hệ với các nước láng giềng. Ông đã bổ nhiệm Hạ nghị sĩ Fumio Kishida, nguyên Chủ tịch Ủy ban quan hệ quốc hội của LDP và từng giữ chức Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề Lãnh thổ phương Bắc và Okinawa, làm Bộ trưởng Ngoại giao; Hạ nghị sĩ Itsunori Onodera làm Bộ trưởng Quốc phòng. Quyết định bổ nhiệm người có kinh nghiệm trong các hoạt động liên quan đến quan hệ quốc hội và ngoại giao làm Bộ trưởng Quốc phòng cho thấy sự thận trọng của ông Abe trong việc xử lý quan hệ với các nước láng giềng đang có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản.

Ngay trong ngày 26/12, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã gửi thư chúc mừng tân Thủ tướng Nhật Bản Abe, nhấn mạnh Hàn Quốc và Nhật Bản là "láng giềng và đồng minh thân cận."

Bức thư của ông Lee Myung-bak viết: "Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục duy trì hợp tác và trao đổi như là láng giềng và đồng minh thân cận". Ông kêu gọi hai bên "cùng thực hiện những nỗ lực chung hướng tới tương lai vì hòa bình và thịnh vượng của hai nước, khu vực Đông Bắc Á và thế giới."

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng ra tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi muốn phối hợp chặt chẽ với chính phủ mới của Nhật Bản để thúc đẩy phát triển quan hệ song phương thành một quan hệ đối tác chín muồi thông qua hợp tác hướng tới tương lai, dựa trên sự nhìn nhận đúng đắn lịch sử."

Hồi tháng 8, quan hệ giữa Seoul và Tokyo đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ sau khi ông Lee Myung-bak trở thành tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc đi thăm hai hòn đảo mà cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc đều tuyên bố chủ quyền.

[Ông Shinzo Abe một lần nữa làm thủ tướng của Nhật]


Ngày 26/12, Trung Quốc kêu gọi tân Thủ tướng Nhật Bản Abe nỗ lực cải thiện quan hệ song phương vốn bị phương hại do những tranh chấp lãnh thổ giữa hai bên. Phát biểu với các phóng viên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: "Chúng tôi hy vọng chính quyền mới của Nhật Bản có những nỗ lực cụ thể nhằm vượt qua khó khăn trong quan hệ song phương". Theo bà, những nỗ lực như vậy là cần thiết "để đưa quan hệ song phương trở về lộ trình phát triển bình thường."

Bà Hoa Xuân Oánh cho hay Trung Quốc "sẵn sàng hợp tác với phía Nhật Bản nhằm thúc đẩy quan hệ song phương phát phiển ổn định và mạnh mẽ." Người phát ngôn này một lần nữa khẳng định lập trường của Trung Quốc trong vụ tranh chấp quần đảo Điếu Ngư (mà Tokyo gọi là Senkaku) trên Biển Hoa Đông, song cũng bày tỏ mong muốn giải quyết tranh chấp "thông qua đối thoại và thương lượng."

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra phát biểu trên sau khi ông Abe được Hạ viện Nhật Bản bầu làm Thủ tướng mới của nước này.

Ngày 26/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi điện chúc mừng tân Thủ tướng Shinzo Abe, khẳng định Mátxcơva chủ trương trước sau như một tăng cường quan hệ chính trị, kinh tế-thương mại, khoa học-công nghệ và nhân văn cũng như các lĩnh vực khác với Tokyo, nhằm phục vụ lợi ích của hai nước, đồng thời góp phần bảo đảm ổn định và an ninh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới nói chung.

Tổng thống Putin cho biết ông đã gặp ông Abe nhiều lần trong hai năm 2006 và 2007 khi chính khách này giữ cương vị Thủ tướng Nhật Bản./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục