Nội các Nhật Bản thông qua FTA với Vương quốc Anh

Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu thúc đẩy Quốc hội nhanh chóng thông qua dự luật về Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Vương quốc Anh để hiệp định sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2021.
Nội các Nhật Bản thông qua FTA với Vương quốc Anh ảnh 1Dây chuyền sản xuất xe ôtô của Tập đoàn Toyota, Nhật Bản tại nhà máy Tsutsumi ở quận Aichi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 4/11, Nội các Nhật Bản đã thông qua dự luật về Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Vương quốc Anh.

Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu thúc đẩy Quốc hội nhanh chóng thông qua dự luật này để hiệp định sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2021.

Trước đó, ngày 23/10, Nhật Bản và Vương quốc Anh đã ký FTA song phương nhằm đảm bảo tính liên tục trong hoạt động thương mại và đầu tư giữa hai nước sau khi giai đoạn chuyển tiếp Anh rời Liên minh châu Âu (EU) - Brexit - kết thúc.

[Những điểm đáng chú ý trong hiệp định FTA Nhật Bản-Anh]

Vương quốc Anh đã phải đàm phán với Nhật Bản về thỏa thuận này vì FTA Nhật Bản-EU (JEFTA) hiện nay sẽ không có hiệu lực đối với Anh sau khi giai đoạn chuyển tiếp của Brexit kết thúc vào cuối tháng 12/2020.

Được coi là bản sao của JEFTA, FTA Nhật Bản-Vương quốc Anh sẽ có hiệu lực sau khi hai bên hoàn thành các thủ tục phê chuẩn ở trong nước.

Sau khi thỏa thuận trên có hiệu lực, Vương quốc Anh sẽ ngay lập tức bỏ thuế nhập khẩu đối với toa tàu điện và phụ tùng ôtô của Nhật Bản, đồng thời giảm dần thuế suất nhập khẩu đối với mặt hàng ôtô của Nhật Bản về 0% vào năm 2026, giống như JEFTA.

Về phần mình, Nhật Bản sẽ giảm thuế đối với nông sản nhập khẩu từ Anh xuống bằng mức áp dụng với EU theo JEFTA.

Tuy nhiên, liên quan tới thương mại điện tử và dịch vụ tài chính, thỏa thuận này cấm các chính phủ yêu cầu doanh nghiệp tiết lộ các thuật toán được sử dụng trong công nghệ trí tuệ nhân tạo và dữ liệu mã hóa.

FTA với Nhật Bản là thỏa thuận thương mại đầu tiên mà Vương quốc Anh ký kết với một nền kinh tế lớn sau khi nước này rời EU vào tháng 1/2020 trong bối cảnh Anh vẫn chưa hoàn tất các cuộc đàm phán thương mại với EU, Mỹ, Australia và New Zealand./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục