Dịch bệnh COVID-19 đã khiến ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo điêu đứng, với hơn 80% di sản thế giới phải đóng cửa. Hàng loạt lễ hội và những buổi hòa nhạc phải hủy bỏ, các buổi ra mắt sản phẩm âm nhạc bị trì hoãn, rạp chiếu phim cửa đóng then cài…
Song, giữa lưng chừng cơn bão khủng hoảng đó, nghệ thuật vẫn cần cất lên tiếng nói. Đó cũng là lý do mà UNESCO kêu gọi tất cả các nghệ sỹ, những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo, cùng tham gia chiến dịch “ResiliArt-Nghệ thuật kiên cường.”
[UNESCO: Văn hóa trước ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19]
Chiến dịch nghệ thuật toàn cầu
UNESCO vừa chính thức khởi động chiến dịch toàn cầu mang tên “ResiliArt.” Bằng một cuộc thảo luận toàn cầu độc quyền với các chuyên gia đầu ngành, “ResiliArt-Nghệ thuật kiên cường” muốn soi tỏ thực trạng của các ngành công nghiệp sáng tạo trong bối cảnh khủng hoảng của dịch bệnh hiện nay. Qua đó, chiến dịch giúp nâng cao nhận thức về tác động phân nhánh sâu rộng của COVID-19 trên tất cả các lĩnh vực nhằm mục đích hỗ trợ các nghệ sỹ trong và sau khủng hoảng.
Nghệ sỹ và những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo được khuyến khích tham gia chiến dịch để lan tỏa những thông điệp cùng câu chuyện và hình ảnh của họ. Nghệ thuật đồng nghĩa với sự kiên cường. Khủng hoảng dịch bệnh hiện tại chính là thời điểm để nghệ thuật thể hiện khả năng phục hồi và tính bền vững cũng như khai thác được sức mạnh từ sự sáng tạo vốn có.
Cuộc thảo luận đầu tiên của chiến dịch vừa được UNESCO phát động với sự hợp tác của Liên minh Quốc tế các Hiệp hội Nhà Soạn nhạc và Lời (CISAC), vào ngày 15/4, ngày Nghệ thuật Thế giới. Cuộc thảo luận mang tính chất khai mạc này khai thác tác động của COVID-19 tới các nghệ sỹ và những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo, nhằm giúp họ cùng nhau tìm kiếm giải pháp.
Audrey AZOULAY, Tổng Giám đốc UNESCO, người khởi động chiến dịch đã dẫn dắt buổi khai mạc cùng sự tham gia của Ernesto Ottone, Trợ lý phụ trách văn hóa của Tổng Giám đốc UNESCO; Jean Michel JARRE (Nhà soạn nhạc, chủ tịch CISAC, Đại sứ thiện chí của UNESCO) và nhiều đại diện uy tín đến từ khắp nơi trên thế giới. Được biết, chiến dịch này sẽ đồng hành tới khi dịch bệnh COVID-19 hoàn toàn được đẩy lùi.
Những tiếng nói lay động từ Việt Nam
Là hai nghệ sỹ Việt Nam tiên phong tham gia chiến dịch "ResiliArt," những sản phẩm nghệ thuật và câu chuyện của Hoàng Minh Tuấn, Hằng Kani khiến cộng đồng không khỏi xúc động.
Chan La Cà có tên thật là Hoàng Minh Tuấn, một Vlogger chuyên về mảng du lịch, trải nghiệm khá có tiếng trong cộng đồng. Chan La Cà từng là đại diện của Việt Nam trên chuyến tàu SSEYAP (tàu Thanh niên Đông Nam Á), “ước mơ” của hàng triệu sinh viên các nước trong khu vực.
Chan La Cà nổi tiếng với các clip du lịch trải nghiệm được đầu tư chỉn chu về nội dung, giới thiệu những cảnh đẹp khắp nơi trên thế giới, đan xen với nhiều câu chuyện và thông điệp ý nghĩa khiến không ít khán giả xúc động.
Clip ca khúc "We Are Unity" của Chan:
Ca khúc "We Are Unity" được Chan cùng hàng chục ‘ca sỹ’ nghiệp dư đến từ các nước trong khối ASEAN thực hiện, mang đến thông điệp vô cùng ấm áp và tràn đầy lạc quan trong mùa COVID.
Còn Nguyễn Thúy Hằng, cô gái cá tính thường được mọi người gọi là Hằng Kani, nghệ danh LiL’kAnI – một trong những nữ rapper hiếm hoi của Việt Nam (bên cạnh LinhLam, Kimmese hay Suboi), lại là cái tên vừa lạ vừa quen.
LiL’kAnI quen thuộc với những lứa thế hệ cuối 8x đầu 9x (thời sinh hoạt diễn đàn vẫn còn sôi nổi) nhưng lạ với những thế hệ sau đó. Yêu văn hóa HipHop, yêu nhạc Rap nhưng LiL'kAnI đã kịp “tậu” cho mình bảng thành tích khiến nhiều người phải nể phục.
Cô từng đạt học bổng Thạc sỹ Quản trị Marketing tại trường Kinh Doanh Quốc tế SolBridge, Hàn Quốc (2011-2013); đại diện Việt Nam tham gia chương trình giao lưu thanh niên danh giá “Tàu Thanh Niên Đông Nam Á - Nhật Bản” (SSEAYP) đi qua 5 quốc gia, được chính phủ Nhật Bản & ASEAN (2016) đài thọ toàn phần; thành viên tiêu biểu của Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc VSAK; đạt nhiều giải thưởng trong các Festival nghệ thuật (2011-2013); Chủ tịch Câu lạc bộ văn hóa-xã hội MyHanoi...
Và vừa mới đây, Hằng Kani đánh dấu sự trở lại của mình trong năm 2020 bằng sản phẩm âm nhạc “Chẳng thế cách ly” giữa mùa COVID-19.
“Thiếu vắng em, con bé nhà mình vẫn ngoan, hay đang thế nào?
Bố nhắn con, mẹ ở đây, không bỏ lại phía sau những đồng bào…”
Đó là 2 dòng rap được trích trong sáng tác “Chẳng thế cách ly” của Hằng Kani.
“Đại dịch COVID-19 đã gắn kết tất cả các gia đình trên thế giới cùng ở nhà, nhưng vẫn còn đó hàng triệu cặp vợ chồng ly tán vì nhiệm vụ cao cả. Mình, một trong những công dân may mắn được ngồi ăn cơm cùng người thân yêu vào những ngày cuối tháng Hai, đã lập tức muốn viết nhạc khi cả nhà vừa ăn vừa xem một phóng sự ngắn trên VTV,” Hằng Kani chia sẻ.
“Mình không kịp nhớ tên hay địa chỉ công tác của nhân vật bác sỹ được phỏng vấn, chỉ nhớ chị đã kể một câu chuyện lay động ngay từ những ngày đầu cuộc chiến. Chị khóc, không phải vì mọi khó khăn ập đến bất ngờ, mà do con gái nhỏ chỉ được gặp mẹ qua màn hình điện thoại từ Tết đến giờ. Và, trong khi có nhiều người lo lắng chị có thể lây bệnh cho họ, thì câu nói của anh chồng ở đoạn kết đã xóa nhòa mọi đắn đo: ‘Đừng lo, em cứ về nhà.’”
Hằng Kani cùng cộng sự đã đặt tiêu đề cho ca khúc này là “Chẳng thể cách Ly,” như một cách gợi nhớ đến chị bác sỹ trong câu chuyện vừa kể. Cô hy vọng dù các chị bác sỹ ngoài kia có tên Ly hay bất kỳ cái tên xinh đẹp nào khác, các chị sẽ vẫn thấy ấm lòng…
Clip giới thiệu ca khúc "Chẳng thể cách ly" của Hằng Kani: