Nông dân châu Âu phản đối thỏa thuận thương mại EU-MERCOSUR

Sau khi MERCOSUR và EU ký kết thỏa thuận thương mại song phương lịch sử, các nông dân và nhà hoạt động vì môi trường ở châu Âu đã lên tiếng phản đối.
Nông dân châu Âu phản đối thỏa thuận thương mại EU-MERCOSUR ảnh 1Nông dân Bỉ phản đối bên ngoài cuộc họp của các Bộ trưởng nông nghiệp EU tại Brussels. (Nguồn: Reuters)

Ngày 29/6, sau khi khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) và Liên minh châu Âu (EU) ký kết thỏa thuận thương mại song phương lịch sử, các nông dân và nhà hoạt động vì môi trường ở châu Âu đã lên tiếng phản đối, cho rằng văn kiện này sẽ dẫn tới tình trạng cạnh tranh không công bằng cùng với nhiều hậu quả nghiêm trọng khác.

Trên trang mạng Twitter, Tổng Thư ký Liên minh Nghiệp đoàn Copa-Cogeca, đại diện cho 23 triệu nông dân trên toàn châu Âu, Pekka Pesonen tuyên bố: "Thỏa thuận này sẽ đi vào lịch sử như một thời điểm đen tối."

Ông cho rằng thỏa thuận EU và MERCOSUR (gồm các nước Brazil, Argentina, Paraguay và Uruguay) sẽ khuyến khích chính sách thương mại tiêu chuẩn kép và nới rộng khoảng cách giữa những gì mà nông dân châu Âu yêu cầu và những gì mà các nhà sản xuất MERCOSUR chấp nhận. 

Nhiều ý kiến chỉ trích cũng xuất hiện tại những quốc gia sản xuất nông nghiệp hàng đầu ở châu Âu như Pháp và Đức.

[Triển vọng mờ mịt về thỏa thuận thương mại EU-Mercosur]

Người đứng đầu liên minh nông nghiệp ở Đức Joachim Rukwied cho rằng thỏa thuận thương mại EU-MERCOSUR là "hoàn toàn không cân bằng," đồng thời cảnh báo thỏa thuận này sẽ đe dọa nhiều "doanh nghiệp nông nghiệp do gia đình điều hành."

Tương tự, bà Christiane Lambert thuộc liên minh nông nghiệp FNSEA lớn nhất ở Pháp chỉ trích việc EU và MERCOSUR ký kết thỏa thuận thương mại là "không thể chấp nhận" và sẽ khiến các nông dân châu Âu phải cạnh tranh không công bằng.

Trong khi đó, thành viên Nghị viện châu Âu đồng thời là nhà hoạt động môi trường người Pháp Yannick Jadot cho rằng việc Ủy ban châu Âu ký thỏa thuận với Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro là "đáng xấu hổ."

Trước đó, ngày 28/6, EU và MERCOSUR đã ký kết thỏa thuận tự do thương mại, qua đó kết thúc tiến trình đàm phán bế tắc trong 2 thập kỷ qua.

Thỏa thuận này sẽ giúp cho hàng hóa của hai bên hội nhập vào một thị trường lớn với 800 triệu dân, chiếm 1/4 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới. EU cho biết các công ty châu Âu sẽ tránh được hơn 4 tỷ euro (4,5 tỷ USD) tiền thuế thương mại mỗi năm nhờ văn kiện này.

MERCOSUR và EU chính thức khởi động đàm phán thương mại từ năm 2000 với nhiều thăng trầm trong suốt quá trình đàm phán với hai lần gián đoạn vào các năm 2004 và 2010. EU hiện là một trong những đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của EU.

Kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai khối trong năm 2018 đã đạt khoảng 100 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng mạnh sau khi thỏa thuận thương mại chính thức có hiệu lực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục