Mấy hôm nay, hễ ra đồng làm việc là anh Phạm Viết Cương (xã Quất Động, Thường Tín, Hà Nội) lại đem theo cờ Tổ quốc để chào mừng Đại lễ.
Không chỉ tại nội thành Hà Nội, không khí chào đón Đại lễ mới náo nhiệt mà ở những vùng ngoại thành, người nông dân cũng đang tưng bừng với ngày hội non sông.
“Mổ gà” mừng Đại lễ
Trên cánh đồng mùa gặt còn dang dở, lá cờ Tổ quốc được anh Cương cắm trên chiếc máy tuốt lúa đang tung bay trong gió. Màu đỏ tươi trên nền trời thu và sắc vàng của đồng lúa chín khiến cờ Tổ quốc rất nổi nên bất cứ ai qua đường cũng đưa mắt ngắm nhìn.
Anh Cương bảo, đáng lẽ hôm nay, anh đã cùng vợ con vượt 24km đến khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ để chứng kiến buổi khai mạc Đại lễ. Nhưng vì thửa ruộng đang độ thu hoạch vừa bị gió mưa “quật tơi tả,” lúa bị đổ rạp và có nguy cơ mọc mầm nên anh bắt buộc phải ra đồng gặt hái. “Muốn đi xem lắm, nhưng đành phải ra đồng chứ biết làm sao hở chú? Nông dân như bọn anh, chỉ trông chờ vào đồng ruộng thôi,” anh Cương tiếc rẻ.
Việc mang cờ ra đồng, anh nói là để cho có "khí thế" cổ vũ Đại lễ ngàn năm. Không chỉ có anh, một vài người dân của Quất Động cũng làm như vậy ở các cánh đồng khác nhau.
Rồi anh cho biết, nhất định trong 10 ngày diễn ra Đại lễ, anh và vợ sẽ chở hai đứa con (đứa lớn 14 tuổi và đứa nhỏ 11 tuổi) về nội thành để xem không khí rực rỡ của Thủ đô. Anh Cương tâm niệm, đó không chỉ là sự kiện của cả đời người, cả đất nước mà còn là cơ hội cho gia đình anh – nhất là hai đứa trẻ hiểu thêm về lịch sử 1.000 năm văn hiến của Thủ đô Hà Nội.
Bà Long (xã Vân Tảo) nói rằng, bà đã “để dành” sẵn con gà sống thiến và sẽ làm thịt để cả gia đình liên hoan mừng Đại lễ. Trong nhà thờ ảnh Bác Hồ nên đến ngày 10/10, bà Long sẽ thổi xôi, thắp hương để báo với Bác về những sự kiện của dân tộc.
“Cả nước chào mừng Thủ đô 1.000 năm tuổi, tôi tuy là người Hà Tây cũ, mới thành người Thủ đô được vài năm, nhưng cũng thấy phấn khởi lắm,” bà Long nói.
Theo thông báo thì huyện Thường Tín cũng là một trong những điểm bắn pháo hoa dịp Đại lễ. Do đó, người dân trong huyện cũng đang háo hức chờ đợi để đón xem những màn pháo hoa trong đêm tối.
Đại lễ trong lòng người
Theo quan sát của phóng viên Vietnam+, trên các trục đường chính ở ngoại thành, nhiều ngày nay đã treo băngrôn, khẩu hiệu chào mừng Đại lễ. Ngoài ra, một số địa phương đã có kế hoạch với những buổi biểu diễn văn nghệ, thể thao nhân sự kiện trọng đại của đất nước.
Bà Long thì bảo, nhất định sẽ gọi điện cho thằng con út đang là sinh viên của trường Đại học Bách Khoa về đón mẹ lên Hà Nội để bà tận mắt chứng kiến phố phường Thủ đô tưng bừng đến nhường nào. Đã 5 năm quanh quẩn trong lũy tre làng, đây cũng là cơ hội để bà ngắm Hồ Gươm, phố cổ…
Sinh ra ở Định Công (Hoàng Mai) nhưng cái duyên trời định đã khiến bà Nguyễn Thị Tý lấy chồng ở xã Chương Dương (Thường Tín). Đã sống qua ngưỡng tuổi 100, nhưng bà vẫn còn minh mẫn lắm. Ngày lễ trọng đại của non sông, tuy không thể về khu vực nội thành được, nhưng bà vẫn bảo con cháu bật tivi lên và theo dõi những sự kiện đã, đang và sẽ diễn ra trong 10 ngày này.
Ngoài việc chú tâm theo dõi, bà còn kể cho lớp trẻ nghe về những góc phố, những kỷ niệm của tuổi thơ gắn liền với Thủ đô, về hồn cốt của đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến.
Trong một lần trao đổi với phóng viên Vietnam+, nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Thiết cho rằng, việc đón chào Đại lễ nghìn năm chỉ thực sự ý nghĩa khi toàn dân hướng tới bằng nội tâm, với tấm lòng thành kính.
Và, cho dù họ có ở vùng nông thôn, miền núi hay hải đảo thì điều ấy cũng thật đáng trân trọng./.
Không chỉ tại nội thành Hà Nội, không khí chào đón Đại lễ mới náo nhiệt mà ở những vùng ngoại thành, người nông dân cũng đang tưng bừng với ngày hội non sông.
“Mổ gà” mừng Đại lễ
Trên cánh đồng mùa gặt còn dang dở, lá cờ Tổ quốc được anh Cương cắm trên chiếc máy tuốt lúa đang tung bay trong gió. Màu đỏ tươi trên nền trời thu và sắc vàng của đồng lúa chín khiến cờ Tổ quốc rất nổi nên bất cứ ai qua đường cũng đưa mắt ngắm nhìn.
Anh Cương bảo, đáng lẽ hôm nay, anh đã cùng vợ con vượt 24km đến khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ để chứng kiến buổi khai mạc Đại lễ. Nhưng vì thửa ruộng đang độ thu hoạch vừa bị gió mưa “quật tơi tả,” lúa bị đổ rạp và có nguy cơ mọc mầm nên anh bắt buộc phải ra đồng gặt hái. “Muốn đi xem lắm, nhưng đành phải ra đồng chứ biết làm sao hở chú? Nông dân như bọn anh, chỉ trông chờ vào đồng ruộng thôi,” anh Cương tiếc rẻ.
Việc mang cờ ra đồng, anh nói là để cho có "khí thế" cổ vũ Đại lễ ngàn năm. Không chỉ có anh, một vài người dân của Quất Động cũng làm như vậy ở các cánh đồng khác nhau.
Rồi anh cho biết, nhất định trong 10 ngày diễn ra Đại lễ, anh và vợ sẽ chở hai đứa con (đứa lớn 14 tuổi và đứa nhỏ 11 tuổi) về nội thành để xem không khí rực rỡ của Thủ đô. Anh Cương tâm niệm, đó không chỉ là sự kiện của cả đời người, cả đất nước mà còn là cơ hội cho gia đình anh – nhất là hai đứa trẻ hiểu thêm về lịch sử 1.000 năm văn hiến của Thủ đô Hà Nội.
Bà Long (xã Vân Tảo) nói rằng, bà đã “để dành” sẵn con gà sống thiến và sẽ làm thịt để cả gia đình liên hoan mừng Đại lễ. Trong nhà thờ ảnh Bác Hồ nên đến ngày 10/10, bà Long sẽ thổi xôi, thắp hương để báo với Bác về những sự kiện của dân tộc.
“Cả nước chào mừng Thủ đô 1.000 năm tuổi, tôi tuy là người Hà Tây cũ, mới thành người Thủ đô được vài năm, nhưng cũng thấy phấn khởi lắm,” bà Long nói.
Theo thông báo thì huyện Thường Tín cũng là một trong những điểm bắn pháo hoa dịp Đại lễ. Do đó, người dân trong huyện cũng đang háo hức chờ đợi để đón xem những màn pháo hoa trong đêm tối.
Đại lễ trong lòng người
Theo quan sát của phóng viên Vietnam+, trên các trục đường chính ở ngoại thành, nhiều ngày nay đã treo băngrôn, khẩu hiệu chào mừng Đại lễ. Ngoài ra, một số địa phương đã có kế hoạch với những buổi biểu diễn văn nghệ, thể thao nhân sự kiện trọng đại của đất nước.
Bà Long thì bảo, nhất định sẽ gọi điện cho thằng con út đang là sinh viên của trường Đại học Bách Khoa về đón mẹ lên Hà Nội để bà tận mắt chứng kiến phố phường Thủ đô tưng bừng đến nhường nào. Đã 5 năm quanh quẩn trong lũy tre làng, đây cũng là cơ hội để bà ngắm Hồ Gươm, phố cổ…
Sinh ra ở Định Công (Hoàng Mai) nhưng cái duyên trời định đã khiến bà Nguyễn Thị Tý lấy chồng ở xã Chương Dương (Thường Tín). Đã sống qua ngưỡng tuổi 100, nhưng bà vẫn còn minh mẫn lắm. Ngày lễ trọng đại của non sông, tuy không thể về khu vực nội thành được, nhưng bà vẫn bảo con cháu bật tivi lên và theo dõi những sự kiện đã, đang và sẽ diễn ra trong 10 ngày này.
Ngoài việc chú tâm theo dõi, bà còn kể cho lớp trẻ nghe về những góc phố, những kỷ niệm của tuổi thơ gắn liền với Thủ đô, về hồn cốt của đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến.
Trong một lần trao đổi với phóng viên Vietnam+, nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Thiết cho rằng, việc đón chào Đại lễ nghìn năm chỉ thực sự ý nghĩa khi toàn dân hướng tới bằng nội tâm, với tấm lòng thành kính.
Và, cho dù họ có ở vùng nông thôn, miền núi hay hải đảo thì điều ấy cũng thật đáng trân trọng./.
Trung Hiền (Vietnam+)