'Nóng' hàng giả cuối năm: Nắm chắc tình hình để ứng phó kịp thời

Theo đại diện Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã xử lý vi phạm hành chính 11.478 vụ buôn lậu và gian lận thương mại, tăng 44,9% so với cùng kỳ năm 2021.
'Nóng' hàng giả cuối năm: Nắm chắc tình hình để ứng phó kịp thời ảnh 1Các khách mời tại Tọa đàm: “Cao điểm chống buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng nhái, bảo vệ doanh nghiệp, người tiêu dùng." (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra ở nhiều địa phương và đánh giá vấn nạn hàng giả, gian lận thương mại xuất hiện ở nhiều nơi, ở nhiều địa phương lớn và địa bàn hẻo lánh.

Thông tin trên được ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đưa ra tại Tọa đàm “Cao điểm chống buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng nhái, bảo vệ doanh nghiệp, người tiêu dùng,” do Báo Công Thương tổ chức ngày 16/12, tại Hà Nội.

Đường đi của hàng giả, hàng lậu chuyển hướng

Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho biết năm 2022, tình trạng hàng lậu vận chuyển qua đường mòn, lối mở hầu như không có. Tuy nhiên, hàng lậu, hàng giả lại chuyển hướng đi theo các cửa khẩu tại miền Trung, Tây Nam Bộ, thậm chí hàng giả còn vận chuyển ra phía Bắc.

Dẫn chứng việc kiểm tra tại một số địa phương như: Tuyên Quang, Bình Dương, Thanh Hoá…, ông Linh cho hay, vấn nạn hàng giả và gian lận thương mại vẫn tiếp tục phát triển, quy mô có tổ chức hơn và việc đưa hàng lậu vào nội địa cũng ngày càng tinh vi.

Đơn cử, cách đây 3 tuần, lực lượng chức năng đã bắt giữ số lượng lớn dầu gội đầu, kem dưỡng da giả nhãn hiệu nước ngoài. Qua đấu tranh phát một lượng lớn hàng giả, hàng nhái sản xuất trong nước nhưng lại vận chuyển quay trở lại biên giới để nhập vào Việt Nam.

[Chống hàng giả: Công cụ hữu hiệu bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp]

Cùng nhận định trên, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đánh giá thêm, sau khi Chính phủ chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa trở lại bình thường nên tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng gia tăng trên các tuyến biên giới, vùng biển, hàng không và địa bàn nội địa, với phương thức, thủ đoạn mới và tinh vi hơn.

Cụ thể, các mặt hàng lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chủ yếu là hàng tiêu dùng, thiết yếu như: Xăng dầu, khoáng sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, gỗ và sản phẩm từ gỗ, vật tư nông nghiệp, sản phẩm và nguyên liệu sản phẩm dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, vật tư y tế, đường cát, thuốc lá, bánh kẹo…

Bên cạnh đó, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hoạt động gian lận về thuế, vi phạm về giá, lợi dụng môi trường thương mại điện tử để kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... cũng vô cùng phức tạp.

Qua kiểm tra tại 13 địa phương, đại diện Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho hay từ đầu năm đã ghi nhận 15.631 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021. Các lực lượng chức năng đã xử lý vi phạm hành chính 11.478 vụ, tăng 44,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Cũng theo ông Tuấn, các hành vi buôn lậu và gian lận thương mại có phương thức, thủ đoạn tinh vi khó lường, như: Không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn.

'Nóng' hàng giả cuối năm: Nắm chắc tình hình để ứng phó kịp thời ảnh 2Diễn biến hàng giả nóng dịp cận Tết Nguyên đán. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Thậm chí, các gian thương còn lợi dụng các loại hình tạm nhập tái xuất, vận chuyển hàng hóa để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới...

Ông Vũ Như Hà, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an) cho hay qua công tác đấu tranh, phối hợp với các lực lượng cho thấy không chỉ công an mà tất cả các lực lượng đã quyết liệt tấn công, truy quét từ đó đã giải quyết được nhiều vụ việc tại địa bàn nóng như An Giang, Long An, Quảng Ninh.

Theo thống kê sơ bộ trong năm 2022, lực lượng công an đã bắt giữ 3.670 vụ buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng nhái; trong đó đã khởi tố 1.250 vụ, tạo sức răn đe phòng ngừa đối với các loại hình tội phạm. 

Cần đồng bộ các giải pháp 

Trước diễn biến phức tạp dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Phó Chánh Văn phòng Nguyễn Minh Tuấn đề nghị thời gian tới, các lực lượng chức năng cần chủ động nắm chắc diễn biến tình hình để có các biện pháp ứng phó kịp thời.

Cụ thể, các đơn vị chức năng cần xác định đối tượng, tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm cần tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đấu tranh; xác định trách nhiệm của cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương trong quản lý, kiểm tra, kiểm soát địa bàn và lĩnh vực được phân công.

Trên cơ sở đó, từng cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng, triển khai các phương án tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển đường hàng không các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới để ngăn chặn hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng nhập lậu vào nội địa.

Mặt khác, các lực lượng chức năng cũng cần kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, cửa hàng tạp hóa, sàn giao dịch thương mại điện tử, mua, bán qua mạng... nhằm kịp thời phát hiện các hành vi lợi dụng để kinh doanh, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đại diện Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đề nghị thành lập các đoàn công tác liên ngành triển khai nắm tình hình, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các lực lượng đơn vị, địa phương tổ chức đấu tranh hiệu quả với các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý, phụ trách.

Về phía Văn phòng Thường trực, ông Tuấn cho biết sẽ thực hiện các đoàn làm việc tại các bộ, ngành, địa phương đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch cao điểm này.

“Văn phòng Thường trực là đầu mối tiếp nhận thông tin, điều phối các lực lượng để tạo sự gắn kết trong việc thực hiện các nhiệm vụ được xác định tại kế hoạch; kịp thời tham mưu, đề xuất lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo, xử lý những vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai, thực hiện,” ông Nguyễn Minh Tuấn nói.

'Nóng' hàng giả cuối năm: Nắm chắc tình hình để ứng phó kịp thời ảnh 3Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát thị trường. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử, đại diện C03 cho rằng để kiểm soát hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại qua lĩnh vực này cần phải có sự phối kiểm soát chặt chẽ hàng hóa từ khâu sản xuất, trung gian rồi đến người tiêu dùng.

“Đối với loại hình này, do đặc thù có nhiều đối tác tham gia, các cơ quan phải hoàn thiện thể chế, chính sách, xác định rõ chủ thể của các đơn vị tham gia từ nhà mạng, nhà sản xuất, trách nhiệm của người tiêu dùng,” Phó Cục trưởng C03 nhấn mạnh.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, C03 đã ban hành kế hoạch triển khai tới 63 tỉnh, thành nhằm đẩy mạnh thực hiện các giải pháp trong giai đoạn cao điểm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, tiếp tục tham mưu hoàn thiện thể chế chính sách, "bịt chặt" lỗ hổng trong quy định để các đối tượng tội phạm không thể lợi dụng đồng thời chủ động phát động, chủ trì triển khai nhiều hoạt động, chuyên án để triệt phá các đường dây buôn lậu trên các tuyến, tập trung vào địa bàn trọng điểm, sản phẩm trọng điểm.

Về phía Tổng cục Quản lý thị trường, ông Trần Hữu Linh cho hay cơ quan này đã ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022, dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Quý Mão 2023./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục