Mặc dù thời gian qua các cơ quan đã nỗ lực trong công tác đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ nhưng quyền lợi của người tiêu dùng vẫn liên tục bị xâm phạm.
Vì vậy, để ngăn ngừa và từng bước đẩy lùi vấn nạn này, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của các ngành chức năng, sự chung tay của toàn xã hội và đặc biệt là nâng cao ý thức của các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ thương hiệu của mình.
Nhức nhối nạn hàng giả
Hàng trăm sản phẩm giày dép, quần áo, balo, túi xách… giả các nhãn hiệu nổi tiếng vừa bị Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) tạm giữ tại 2 điểm kinh doanh trên phố Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Đáng chú ý, những sản phẩm gắn mác "hàng hiệu" nhưng giá cả lại chênh cả triệu đồng thậm chí hàng chục triệu so với hàng chính hãng. Trước đó, lực lượng chức năng cũng đã thu giữ cả trăm chai nước hoa mang nhãn mác các thương hiệu như Chanel, Gucci… được bày bán tại chợ đêm phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm đều không có nguồn gốc xuất xứ, giá bán chỉ từ 150.000-300.000 đồng.
[Sức nóng từ cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái]
Thực tế cho thấy, việc sản xuất, kinh doanh hành giả ngày càng diễn biến phức tạp và tinh vi, các sản phẩm bị làm giả, làm nhái trải đều ở tất cả các lĩnh vực, song nhiều nhất vẫn là hàng tiêu dùng, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng.
Lo ngại hơn, khi thương mại điện tử phát triển thì môi trường mạng cũng là kênh khó ngăn chặn và xử lý các gian thương để bảo vệ người tiêu dùng.
Anh Trần Việt Dũng, một khách hàng tại Hà Nội cho biết trong một giao dịch vừa qua, người nhà anh đã đặt mua một chiếc máy tính điện tử nhãn hiệu casio với giá hơn 1 triệu đồng, song khi nhận hàng thì sản phẩm lại không tốt, máy chập chờn, khó sử dụng, nhờ sự tư vấn của Công ty anh mới biết hàng mua không phải chính hãng và rất khó để đổi lại vì mua phải hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Trong khi đó, bản thân các doanh nghiệp cũng phải căng mình chống đỡ với hàng giả, hàng nhái.
Ông Tô Duy Hải, Trưởng Ban Đội Ngoại, Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam, cho biết việc sản phẩm soup mì tôm Hảo Hảo bị làm giả và bán tràn lan trên mạng xã hội trong thời gian qua ảnh hưởng đến thương hiệu, chất lượng sản phẩm, hoạt động kinh doanh của đơn vị rất nhiều. Dù chưa có thống kê chính xác nhưng số lượng thiệt hại là khá lớn cả về doanh thu và thương hiệu.
“Tới đây Acecook Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan chức năng trong đó có Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng của Bộ Công Thương để ngăn chặn tình trạng sản xuất kinh doanh hàng giả,” đại diện Acecook cho hay.
Tập trung xử lý từ gốc
Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết nếu như trước đây, hàng giả thường tập trung ở các mặt hàng như mỹ phẩm, đồ gia dụng... nhưng bây giờ, hàng giả, hàng kém chất lượng xuất hiện ở những mặt hàng khác nhau, ví dụ như xăng dầu, vật tư nông nghiệp, phân bón, vật tư y tế...
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện và ngăn chặn rất nhiều sản phẩm hàng giả, hàng nhái được quảng bá, giao bán trên các mô hình kinh doanh online, sàn giao dịch thương mại điện tử…
Từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng Quản lý thị trường đã xử lý hơn 3.000 vụ liên quan đến hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, song theo ông Trần Hữu Linh, việc kiểm tra, xử lý vi phạm chỉ giải quyết được phần ngọn, còn nội dung rất quan trọng là việc tuyên truyền để người dân, người mua hàng biết cách phóng tránh, từ đó ngăn ngừa và đẩy lùi vấn nạn này.
Có thể nói, công tác chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Điều này được thể hiện rõ ràng, cụ thể thông qua hệ thống pháp luật và hệ thống các cơ quan thực thi.
Theo ông Đặng Văn Dũng, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, từ năm 2007, khi Việt Nam tham gia tổ chức Thương mại thế giới, Chính phủ đã đồng ý chọn ngày 29/11 hàng năm làm “Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái” nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, của doanh nghiệp đối với công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Cũng theo ông Dũng, việc chống hàng giả, hàng nhái là nhiệm vụ quan trọng của doanh nghiệp trong vấn đề xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Mặc dù có rất nhiều cố gắng nhưng công tác chống hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ hiện vẫn đang là thách thức mà các ban, ngành liên quan cũng như doanh nghiệp phải chung tay để đi đến thành công.
Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đề nghị các doanh nghiệp chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan thực thi, nhất là trong công tác giám sát thị trường, quản lý tốt hệ thống phân phối, thu thập, cung cấp thông tin và hỗ trợ các cơ quan thực thi trong công tác phát hiện và xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, để bảo vệ và phát triển thương hiệu của đơn vị mình, doanh nghiệp cũng cần tích cực thực hiện tốt các quy định của pháp luật, đăng ký sở hữu trí tuệ bảo vệ tài sản của doanh nghiệp mình./.