Sáng 19/9, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn nông nghiệp bền vững Việt Nam châu Âu với chủ đề “Nông nghiệp 4.0: Chìa khóa tiếp cận thị trường châu Âu.”
Sự kiện thu hút đông đảo đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực có liên quan.
Với mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu nông sản đã qua kiểm định chất lượng, an toàn và có thể truy nguyên từ Việt Nam sang thị trường châu Âu, diễn đàn được tổ chức nhằm tạo tính tương tác cao, các góc nhìn đa dạng và bố trí song song với các khu trưng bày sản phẩm và các giải pháp về công nghệ trong nông nghiệp.
[Hiệu quả đáng khích lệ từ mô hình hợp tác xã kiểu mới thế hệ 9x]
Cũng tại diễn đàn, các diễn giả, các đại biểu đã thảo luận về chuyên môn, về các chính sách dành cho nông nghiệp nông thôn và đánh giá về thực trạng xuất khẩu nông sản Việt Nam vào Liên minh châu Âu trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được ký kết; nhận định về tiềm năng và cơ hội phát triển của ngành nông nghiệp, cũng như về triển vọng ứng dụng công nghệ số để hướng tới sự phát triển nông nghiệp bền vững.
Các nhà xuất khẩu, các nhà thu mua và doanh nghiệp châu Âu cũng chia sẻ các kinh nghiệm như làm sao để thúc đẩy việc số hóa ngành nông nghiệp hay công nghệ chuỗi khối (blockchain) đem lại lợi ích gì cho nông nghiệp... đồng thời, đề xuất các giải pháp tân tiến nhằm nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Chủ tịch VCCI, nhấn mạnh trong những năm vừa qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc với tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành đã lên tới 40 tỷ USD; trong đó, không chỉ có nỗ lực của nông dân, của các doanh nghiệp Việt Nam và nhà đầu tư mà còn phải ghi nhận sự quan tâm, đóng góp của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp của các nước đối tác.
Mặc dù EVFTA đã được ký kết và sớm có hiệu lực thực thi, nhưng các nước thành viên trong khu vực Liên minh châu Âu vẫn đang tiếp tục xem xét những điều khoản và cam kết của hiệp định này. Đây vừa là cơ hội song cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam đòi hỏi cần nỗ lực hơn để tận dụng được các cơ hội và khỏa lấp được những rào cản, thách thức đang có, sẽ có và làm sao duy trì được tốc độ tăng trưởng hay thúc đẩy mạnh mẽ kim ngạch xuất khẩu.
Các doanh nghiệp cần nhớ rằng, chất lượng hàng hóa, thông lệ quốc tế cũng như những điều khoản khác trong hiệp định mà Việt Nam đã cam kết là chìa khóa quan trọng để thực hiện thành công những mục tiêu đã đề ra.
Chủ tịch VCCI bày tỏ mong muốn từ những thông tin được chia sẻ trong diễn đàn sẽ có nhiều sáng kiến được đưa ra, nhiều chương trình hành động và hỗ trợ để các doanh nghiệp áp dụng vào thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến để làm thương hiệu hay xúc tiến thương mại, xuất khẩu những sản phẩm nông sản, thủy sản.
Với những nỗ lực mạnh mẽ, mong rằng nông nghiệp Việt Nam sẽ vượt khó thành công, đáp ứng các yêu cầu của các hiệp định mà Việt Nam đã cam kết và có thể tận dụng được nhiều lợi thế để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu và phát triển theo hướng mạnh mẽ.
Đại diện EuroCham, Phó Chủ tịch Ywert Visser cho hay nông nghiệp là ngành kinh tế được hưởng nhiều lợi ích nhất từ Hiệp định EVFTA. Bởi lẽ, việc giảm hơn 90% các chủng loại thuế trong thời gian tới đây sẽ làm tăng nhu cầu và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sang thị trường tiêu dùng lớn và có tiêu chuẩn cao như châu Âu.
Liên minh châu Âu có tiêu chuẩn rất cao về nhập khẩu thực phẩm, vì vậy, việc các doanh nghiệp châu Âu và các nhà sản xuất Việt Nam kết hợp với nhau để học hỏi và giúp phát triển một ngành nông nghiệp hàng đầu thế giới tại Việt Nam với các sản phẩm an toàn, được chứng nhận là điều cần thiết.
Diễn đàn được tổ chức ngày hôm nay sẽ giúp phát triển mối quan hệ mạnh mẽ hơn nữa giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu, qua đó giúp mở khóa toàn bộ tiềm năng của EVFTA.
Đại diện một số doanh nghiệp, ông Nguyễn Cao Trí, Tổng Giám đốc Công ty BlueScope Lysaght Việt Nam, cho biết ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam đang tăng trưởng ổn định song lại phụ thuộc nhiều vào việc kinh doanh hộ gia đình với quy mô nhỏ, chất lượng không ổn định và cơ cấu chi phí cao, hạn chế đưa sản phẩm Việt Nam thâm nhập vào các thị trường có yêu cầu cao và phát triển.
BlueScope Lysaght Việt Nam đã giới thiệu nhiều giải pháp nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh và đòi hỏi việc không ngừng hoàn thiện, đồng bộ từ chăn nuôi bao gồm giống, nguồn thức ăn, môi trường nuôi... đến giai đoạn cuối cùng là chế biến thịt.
Với việc tham gia vào phân khúc nông nghiệp với những cải tiến về chăn nuôi gia cầm, chất lượng tốt nhất. Lysaght cũng giới thiệu tới diễn đàn nhà máy năng lượng Mặt Trời, mô hình cho phép các nhà đầu tư tận dụng tối đa việc sử dụng tài nguyên đất với kết hợp đa chức năng, sản xuất năng lượng tái tạo trên mái và trồng rau phía bên trọng.
Giải pháp này cho phép cài đặt nhanh với độ chính xác cao, chi phí bảo trì tối thiểu và thời gian sử dụng lâu bền, đảm bảo tỷ suất thu hồi vốn nhanh chóng cho các nhà đầu tư và tăng tính bền vững cho cộng đồng.
Ông Huỳnh Tiến Dũng, Tổng Giám đốc quốc gia Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững Việt Nam (IDH Việt Nam), cho hay thông qua các chương trình hợp tác, IDH đã đặt mục tiêu thúc đẩy sự bền vững từ thị trường nhỏ đến lớn, mang lại tác động đến các mục tiêu phát triển bền vững. Các đối tượng trong chuỗi cung ứng luôn cân nhắc cam kết bền vững.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có một lựa chọn hiệu quả để dảm bảo việc thực hiện các cam kết này ở quy mô hớn. IDH và các đối tác hiện đang phát triển một cơ chế thị trường mới cho phép tìm nguồn cung ứng từ nền nảng bền vững.
Các nguồn cung ứng đã được chứng nhận là một cơ chế mới nhằm đẩy nhanh sản xuất và thu hút hàng hóa bền vững trên toàn cầu. Mục tiêu là để xác định tính bền vững của toàn bộ khu vực là các đô thị, các quận, huyện, tỉnh... Bằng cách này, các mục tiêu bền vững như bảo vệ rừng, than bùn, lao động hay sở hữu đất đai, quản lý minh bạch đều có thể đạt được quy mô và tác động lớn hơn.
Cũng tại diễn đàn, nhiều chuyên gia và đại diện các tổ chức quốc tế cho rằng thế giới đang trải qua những chuyển đổi mạnh mẽ về công nghệ. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động sâu sắc tới việc tạo ra năng lượng cho xã hội, sản xuất hàng hóa; cũng như cách mà con người sinh sống, làm việc và di chuyển.
Ngành nông nghiệp nói chung và công nghiệp thực phẩm nói riêng của Việt Nam đang chịu khá nhiều áp lực liên tục để thích nghi và phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng ngày càng tăng và đòi hỏi tiêu chuẩn cao như thị trường châu Âu. Điều này đặt ra yêu cầu phải nâng cao vệ sinh, chất lượng và sự đa dạng cũng như thực thi tốt những cam kết về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và sử dụng tài nguyên một cách bền vững./.