Nông nghiệp, nông thôn: "Cầu" khó gặp "kích"

Nhiều chương trình kích cầu dành cho nông nghiệp, nông thôn đã được triển khai, nhưng đến nay "cầu" vẫn đang khó gặp "kích" do khâu tổ chức thực hiện gặp trắc trở. Việc tháo gỡ các vướng mắc này đang là vấn đề bức bách được đặt ra.

Nhiều chương trình kích cầu dành cho nông nghiệp, nông thôn đã được triển khai, nhưng đến nay "cầu" vẫn đang khó gặp "kích" do khâu tổ chức thực hiện gặp trắc trở. Việc tháo gỡ các vướng mắc này đang là vấn đề bức bách được đặt ra.

Chính sách "nằm trên giấy"

Rất nhiều chính sách kích cầu nông nghiệp, nông thôn đã được đưa ra. Điều này được thể hiện tập trung nhất tại Quyết định ra ngày 17/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở nông thôn.

Theo Quyết định, khi mua máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện phục vụ sản xuất và chế biến nông nghiệp, mức tiền vay tối đa bằng 100% giá trị hàng hóa (riêng máy vi tính, mức tiền vay tối đa không quá 5 triệu đồng/chiếc) và được hỗ trợ 100% lãi suất vay.

Các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ lãi suất 4% với mức vay tối đa 100% giá trị hàng hóa, nhưng không quá 7 triệu đồng/ha khi mua vật tư sản xuất nông nghiệp và không quá 50 triệu đồng đối với vật liệu làm nhà ở nông thôn.

Chính sách trên đã tạo kỳ vọng lớn từ phía các đối tượng được hỗ trợ, vì đáp ứng trúng nguyện vọng của dân. Tuy nhiên, thực tế triển khai đang gặp "mắc mớ", khiến nhiều đối tượng chưa được thụ hưởng các ưu đãi của gói kích cầu.

Ông Huỳnh Ngọc Siêu, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Tân Địa Lợi, tỉnh Long An, phản ánh hợp tác xã muốn vay 4 tỷ đồng theo diện hỗ trợ lãi suất, nhưng do thủ tục quá rườm rà nên không biết bắt đầu từ đâu. Hợp tác xã vừa có văn bản kiến nghị Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam can thiệp để sớm được vay vốn.

Quyền Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam Lê Khắc Triết buồn rầu cho biết do các cấp chính quyền, tổ chức tín dụng chưa hướng dẫn, công khai chi tiết về đối tượng, thủ tục cho vay vốn, nên đến nay, hơn 700 doanh nghiệp và 3.000 làng nghề thành viên của Hiệp hội thuộc diện được hưởng ưu đãi từ gói kích cầu, nhưng chưa vay được đồng vốn nào.

Hàng triệu lao động đang làm việc cho các doanh nghiệp và làng nghề này có nguy cơ mất việc do đơn vị sản xuất thiếu vốn, khó tìm đầu ra. Để có thể tồn tại, nhiều doanh nghiệp, chủ cơ sở làng nghề buộc phải vay vốn "chợ đen" với lãi suất "cắt cổ", lên đến 15 - 20%/tháng.

Một lý do nữa khiến gói kích cầu cho nông nghiệp, nông thôn chưa thông là điều kiện các tổ chức tín dụng đưa ra để được vay vốn quá ngặt nghèo.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần, muốn được vay vốn, nông dân, các chủ cơ sở sản xuất làng nghề phải có tài sản thế chấp. Thế nhưng, đa phần ngân hàng định giá tài sản thế chấp thấp, cao nhất cũng chỉ bằng 50% giá trị tài sản, nên số vốn vay rất ít, không đáp ứng được nhu cầu sản xuất.

Đẩy "kích" sát "cầu"

Nhiều ý kiến cho rằng, để chính sách kích cầu nông nghiệp, nông thôn sớm đi vào cuộc sống, cần chấn chỉnh khâu tổ chức thực hiện.

Ông Huỳnh Ngọc Siêu kiến nghị các cơ quan triển khai chủ trương, nhất là ở địa phương hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn các thủ tục, quy trình để nông dân được vay vốn. Các thông tin này cần được niêm yết công khai tại nhà văn hóa thôn, trụ sở Ủy ban nhân dân xã, các tổ chức tín dụng.

Khi người dân đáp ứng được các loại giấy tờ như niêm yết, thì phải được giải quyết vay vốn, tránh tình trạng đáp ứng đủ các loại giấy tờ như niêm yết, nhưng cán bộ tín dụng vẫn đòi thêm các loại giấy tờ khác.

Theo ông Lưu Duy Dần, nông dân, các chủ cơ sở sản xuất ở nhiều làng nghề đều kiến nghị Nhà nước nên công bố dành một khoản tiền cụ thể là bao nhiêu để hỗ trợ nông dân mua giống, phân bón, máy móc phục vụ sản xuất, thì mới hiệu quả. Làm như vậy sẽ tạo điều kiện cho dân giám sát, chứ với cách làm như hiện nay không biết có bao nhiêu nông dân được vay vốn.

Ông Dần cũng cho biết thêm, nông dân đề nghị tăng vai trò của hội phụ nữ, hội cựu chiến binh trong quá trình triển khai các gói kích cầu, bởi đây là những tổ chức gần dân nhất, nên nắm bắt được nhu cầu của dân và biết cách giám sát người vay sử dụng vốn sao cho hiệu quả. Nếu trao quyền quá lớn cho các tổ chức tín dụng, dễ dẫn đến tình trạng tiêu cực.

Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam đề nghị Nhà nước sớm cho phép thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn, đồng thời dành một khoản tiền trong gói kích cầu để xây dựng quỹ.

Làm được như vậy sẽ mang lại lợi ích kép là vừa tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất làng nghề, vừa tạo ra hàng nghìn việc làm cho lao động nông thôn, qua đó kích cầu hiệu quả cho khu vực này./.
 

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ra ngày 17/4/2009 về hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở nông thôn, để được vay vốn và hỗ trợ lãi suất, các tổ chức, cá nhân vay phải có địa chỉ cư trú hợp pháp và được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là người trực tiếp sản xuất (không phải mua về để bán lại); có hợp đồng vay vốn với ngân hàng thương mại theo quy định.

Các khoản vay theo hợp đồng tín dụng được ký, giải ngân từ ngày 1/5 - 31/12/2009 để mua máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện phục vụ sản xuất, chế biến nông nghiệp và máy vi tính có thời hạn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa 24 tháng. Thời hạn vay để mua vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng để làm nhà ở là 12 tháng. 


(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục