NTT chia sẻ bài học rút ra từ thảm họa sóng thần

NTT rất muốn chia sẻ với Việt Nam những bài học kinh nghiệm rút ra từ thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3 ở Nhật Bản.
Ngày 20/6, một quan chức của Tập đoàn Điện tín và Điện thoại Nhật Bản (NTT) cho biết NTT rất muốn chia sẻ với Việt Nam - điểm đến đầu tư thành công nhất của NTT ở khu vực Đông Nam Á - những bài học kinh nghiệm mà tập đoàn này rút ra từ thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3 ở Nhật Bản. Ông Tatsuro Murakami, kỹ sư của Nhóm Phòng Thí nghiệm Chia sẻ Thông tin thuộc NTT, chia sẻ: “NTT đang nỗ lực mở rộng hoạt động kinh doanh ra khắp Đông Nam Á. Trong quá trình đó, NTT nhận thấy rằng Việt Nam là nước thành công nhất đối với NTT trong lĩnh vực này.” Lý giải về quyết định của NTT mở rộng hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, ông Marakami cho biết so với các nước khác trong khu vực, Việt Nam đi đầu trong việc giới thiệu và áp dụng công nghệ thông tin-truyền thông (ICT). Bên cạnh đó, quốc gia Đông Nam Á này là đất nước có dân số trẻ, đầy triển vọng và đang tăng trưởng. Về dịch vụ mạng thế hệ mới (NGN) của NTT đang ngày càng trở nên phổ biến ở Nhật Bản, ông Murakami nói: “Kể từ khi ra mắt NGN vào tháng 3/2008, NTT cung cấp rất nhiều loại dịch vụ trên nền NGN. NGN không chỉ là một hệ thống thoại giao thức liên mạng (IP telephony network). Chúng tôi đã thiết lập NGN như một hạ tầng mạng để thay đổi phong cách sống, xã hội và hoạt động kinh doanh. NTT đang hợp tác với các đối tác của mình để phát triển các dịch vụ mới trên tất cả các lĩnh vực.”
NTT chia sẻ bài học rút ra từ thảm họa sóng thần ảnh 1
Nhân viên NTT giới thiệu công nghệ biển báo kỹ thuật số.
Theo ông Murakami, sau ba năm kể từ khi ra mắt NGN, NTT nhận ra rằng NGN hoạt động tốt nhất với công nghệ điện toán đám mây. Trong thảm họa động đất và sóng thần vừa qua ở Nhật Bản, NGN, Internet và điện thoại đã chứng tỏ những lợi thế và đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Từ thảm họa này, NTT nhận ra rằng NGN có năm vai trò quan trọng. Thứ nhất, NGN là một hệ thống rất đáng tin cậy. Vì vậy, NGN là nơi lý tưởng để thiết lập các trung tâm dữ liệu. Thứ hai, “NGN + điện toán đám mây” là nơi hoàn hảo cả về mặt an ninh và bí mật để lưu trữ thông tin công cộng, y tế và giáo dục. Những nạn nhân động đất bị mất nhà cửa hay sơ tán tới nơi xa vẫn có thể tiếp tục sử dụng các dịch vụ công như vậy. Thứ ba, NGN có khả năng chia sẻ thông tin cho các khu vực hoặc tình huống cụ thể. NGN có thể xử lý và cung cấp các thông tin thích hợp như cảnh báo sớm về động đất hay những thông tin thực sự cần thiết trong nhiều tình huống khác nhau. Thứ tư, “NGN+ điện toán đám mây” có thể hỗ trợ các hoạt động tại công sở hay nhà máy. Hệ thống NGN trải rộng trên khắp đất nước cho phép các công ty bị thiệt hại có thể hợp tác với các chi nhánh hoặc các đối tác ở những nơi an toàn và sau đó, các công ty này có thể đưa ra kế hoạch tiếp tục kinh doanh. Thứ năm, sự phối hợp giữa NGN và lưới điện thông minh có thể đối phó với tình trạng thiếu điện do các sự cố tại các nhà máy điện hạt nhân. NGN và lưới điện thông minh có thể cùng kiểm soát nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ điện tại công sở hay hộ gia đình. Ông Murakami khẳng định: “NTT muốn chia sẻ với thế giới những bài học rút ra từ việc đối phó với thảm họa vừa qua. NTT thường xuyên gặp gỡ các công ty viễn thông ở Việt Nam để thảo luận làm thế nào sử dụng tốt nhất mạng NGN. Với việc chia sẻ kinh nghiệm của chúng tôi, NTT muốn tạo ra một xã hội an toàn, an ninh và năng động cùng với bạn bè của chúng tôi ở Việt Nam.” Về kế hoạch kinh doanh tại Việt Nam, ông Murakami cho biết: "NTT thực sự muốn xây dựng một thế giới công nghệ thông tin-viễn thông với Việt Nam." Theo ông Murakami, NTT East, một trong số các công ty con của NTT, đã có kế hoạch hợp tác với các công ty viễn thông của Việt Nam để triển khai các dịch vụ NGN và dịch vụ cáp quang băng thông rộng FTTH ở quốc gia Đông Nam Á này. "Chúng tôi muốn chia sẻ đường truyền băng thông rộng tốc độ cao và các dịch vụ NGN do NTT phát triển và chia sẻ với các bạn về những trải nghiệm của các dịch vụ này ở Nhật Bản"./.
Thanh Tùng-Hồng Hà (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục