Nửa thiên niên kỷ thăng trầm của ngân hàng lâu đời nhất thế giới

Banca Monte dei Paschi di Siena S.p.A (BMPS) của Italy, với hơn 500 năm tuổi, hiện đang sở hữu xấp xỉ 2.100 chi nhánh trong nước, 40 chi nhánh ở nước ngoài.
Nửa thiên niên kỷ thăng trầm của ngân hàng lâu đời nhất thế giới ảnh 1Ngân hàng Banca Monte dei Paschi di Siena S.p.A tại Rome. (Nguồn: Bloomberg)

“Cây đại thụ” lâu đời nhất của ngành ngân hàng thế giới, Banca Monte dei Paschi di Siena S.p.A (BMPS) của Italy, với hơn 500 năm tuổi, là một tấm gương điển hình cho nỗ lực bền bỉ tiến về phía trước bất chấp mọi khó khăn, thách thức.

Được thành lập vào năm 1472 tại thành phố Siena, Italy, BMPS đã hoạt động liên tục không ngừng nghỉ.

Vào năm 1995, ngân hàng này trải qua một dấu mốc đáng nhớ khi chuyển đổi sang mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn và bắt đầu hoạt động với tên BMPS đến ngày nay.

Hiện, BMPS - còn được biết đến với tên "thân mật" il Monte - sở hữu xấp xỉ 2.100 chi nhánh trong nước, 40 chi nhánh ở nước ngoài, với đội ngũ nhân lực lên tới 26.000 người và phục vụ khoảng 5.3 triệu khách hàng.

Trong suốt chặng đường dài nhiều thăng trầm của mình, có thể nói giai đoạn cao trào nhất của BMPS là những năm 2000-2006.

Kể từ sau khi có mặt trên Sàn giao dịch chứng khoán Italy hồi năm 1999, BMPS đã ngay lập tức bắt tay vào một công cuộc mạnh mẽ mở rộng về thương mại và hoạt động.

BMPS đã nhanh chóng thâu tóm các “cá con” trong khu vực, trong số đó phải kể đến Banca Agricola Mantovana và Banca del Salento.

Cùng thời kỳ, BMPS cũng nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ hỗ trợ và tư vấn khách hàng. BMPS đồng thời cập nhật các hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng tư nhân và các kế hoạch hưu trí cá nhân.

Kết thúc kế hoạch “bành trướng” này, BMPS triển khai rầm rộ một chương trình quy mô khủng khai trương 2.000 chi nhánh mới.

“Nốt trầm” trong bản nhạc hùng tráng của BMPS là giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2012.

Hàng loạt yếu tố tài chính, trong đó có việc lợi suất gia tăng và trái phiếu Chính phủ Italy hạ giá, đã cuốn bay hơn 2 tỷ USD của BMPS chỉ trong sáu tháng đầu năm 2012, buộc ngân hàng này phải tiến hành tái cơ cấu vốn.

Vụ việc BMPS che giấu các khoản lỗ khổng lồ hồi năm 2009 cũng đã buộc Chủ tịch Hiệp hội ngân hàng Italy là Giuseppe Mussari phải từ chức vào năm 2013.

Kinh tế Italy đang loạng choạng. Sức tăng trưởng yếu kèm tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao đã khiến các ngân hàng "lúng túng" trong bối cảnh gánh nặng nợ xấu có nguy cơ lên tới 360 tỷ euro.

BMPS với tư cách là ngân hàng thương mại và bán lẻ lớn thứ ba Italy tính theo tổng tài sản cũng không thoát khỏi vòng xoáy trên.

Giai đoạn từ 2011-2015, BMPS điêu đứng vì khoản thua lỗ ước tính lên đến 14 tỷ euro. Cho đến nay, BMPS đang gánh khoản nợ xấu khổng lồ lên tới 27,6 tỷ euro. BMPS đã mất 80% giá trị thị trường trong năm nay khi các khách hàng lũ lượt từ bỏ ngân hàng này.

Giữa bối cảnh đó, có thể nói việc Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni ngày 23/12 thông báo chính phủ nước này thông qua kế hoạch giải cứu các ngân hàng đang gặp khó khăn, đặc biệt là BMPS, là tin mừng cuối năm đối với ngân hàng này.

Thông báo trên đưa ra ngay sau khi BMPS công bố kế hoạch huy động khoản vốn 5 tỷ euro nhằm khắc phục tình trạng nợ xấu trầm trọng đã thất bại và cần đến gói cứu trợ của chính phủ.

Trước đó không lâu, BMPS cũng đã thông báo kế hoạch cắt giảm 2.600 lao động và đóng cửa khoảng 500 chi nhánh trong nỗ lực nhằm cải tổ toàn diện hoạt động.

Dưới sự lãnh đạo của Giám đốc điều hành Marco Morelli, BMPS đang hướng tới mục tiêu cắt giảm chi phí hoạt động bằng cách "khai tử" khoảng 1/4 trong tổng số 2.000 chi nhánh hiện nay và cắt giảm tới 9% chi phí thuê lao động trong ba năm tới.

Với kế hoạch này, BMPS đặt mục tiêu sau ba năm tiến hành cải tổ sâu rộng sẽ gặt hái lợi nhuận trên 1,1 tỷ euro (1,2 tỷ USD) vào năm 2019. Hy vọng một Năm mới cất cánh với “người anh cả” của ngành ngân hàng thế giới này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục