Những đống gạch vụn còn lại sau những đợt sóng thần đã không còn nhiều nữa. Nhưng hai năm sau cơn thịnh nộ của thiên nhiên, một vài khu vực bị tàn phá ở phía Đông Bắc của Nhật Bản vẫn khá hoang tàn. Tại nơi đã từng là hàng núi gạch vụn, mảnh vỡ, những tòa nhà tạm đã được dựng lên, một số ngôi nhà cũ đã được sửa chữa. Những tín hiệu của giao thông xuất hiện dọc trên các con đường mới làm, cũng giống như những chiếc ôtô còn mới, đưa người đến với những ngôi làng và thị trấn mới. Những đường tàu hỏa đã bị hư hại bởi những đợt sóng mạnh ngày 11/3/2011 cũng được xây dựng lại, dịch vụ dần khôi phục. Tuy vậy, giờ có ít người đi lại bằng tàu hỏa, một phần do dân số suy giảm, phần vì nhiều người đã chuyển đi nơi khác. Ngành công nghiệp đánh cá cũng đã phục hồi, những tàu mớiđóng đang bập bềnh trên các vịnh và kinh tế địa phương đang cho thấy những dấu hiệu tăng trưởng, nhờ những khoản tiền hỗ trợ thường xuyên của chính phủ. Các di tích ngẫu nhiên mà sóng thần để lại – những con tàu bị ném lên những tòa nhà ba tầng – hầu hết đã không còn nữa, chỉ còn trong những bức ảnh.
Từ trái qua: Khu vực Natori ngày 14/3/2011, ngày 12/1/2012 và 21/2/2013 (Nguồn: AFP)
Song ký ức về những đợt sóng khổng lồ từng quét sạch hầu hết các ngôi làng không thể phai nhạt đi. Trẻ em vẫn còn những cơn ác mộng, các gia đình vẫn còn hụt hẫng sau nhiều mất mát, và nhiều bãi biển vẫn chưa có sự sống. Nhiều người đã chuyển tới những miền đất cao hơn, sau thảm họa đã giết chết gần 19.000 người và dẫn tới một trong những sự cố hạt nhân tồi tệ. Tại Kesennuma, một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nhất, các nhà máy chế biến thủy sản đã được xây dựng lại, trong khi các nhà hàng sushi và quán karaoke đã được mở lại trong những túp lều dựng sẵn tại một trung tâm mua sắm tạm thời. Tại Ishinomaki, những người bán buôn hô vang giá cả trong một chợ cá được mở lại, nơi những người đánh cá địa phương mang đến những thứ họ đánh bắt được từ những tàu cá mới mua. Ngược tới bãi biển ở Otsuchi, người ta vẫn còn có thể thấy những đống đổ nát và những khung xương của các tòa nhà vẫn còn rải rác trên những khu vực bỏ không hiện đang ngập trong cỏ dại. Một vài cộng đồng đã từ bỏ ý tưởng trở lại khu vực bị sóng thần tàn phá và lựa chọn chuyển tới vùng đất cao hơn để xây dựng lại thành phố. Nhưng những người khác vẫn còn cảm thấy đờ đẫn, không thể thống nhất làm như nào để tiếp tục.
Từ trên xuống: Khu vực Otsuchi ngày 16/4/2011, ngày 16/1/2012 và ngày 18/2/2013 (Nguồn: AFP)
Họ có nên xây dựng lại ở cùng địa điểm, với những cư dân trở lại với nơi vùng đất nguyên quán của họ? Hay họ nên bắt đầu lại, coi đây là một cơ hội thiết kế lại nơi định cư, để tính toán lại nhu cầu của những người dân đang sống trong nỗi buồn. Fukushima, đã tàn lụi trong suy nghĩ của cộng đồng – hoặc đã là như vậy trong thực tế - bởi thảm họa hạn nhân, là một trong những khu vực phục hồi chậm nhất. Trận động đất mạnh 9 độ Richter đã gây ra cơn sóng thần khổng lồ hạ gục hệ thống làm lạnh lại nhà máy điện hạt nhân số 1 Fukushima, gây ra sự cố rò rỉ phóng xạ ở khu vực rộng lớn. Chính phủ đã ra lệnh sơ tán hàng nghìn người khỏi khu vực cấm vào xung quanh nhà máy đang ngừng hoạt động, phong tỏa các thị trấn xung quanh ngay lập tức. Cỏ dại và chó hoang lang thang là những dấu hiệu duy nhất của sự bỏ rơi. Trong khi một vài người trở lại với những cộng đồng gần nhà máy, rất nhiều người khác đã chuyển tới nơi ở mới. Người ta sợ rằng sẽ phải mất hàng thập kỷ để nơi này có thể sinh sống trở lại như trước đây.
Từ trên xuống: Khu vực Ishinomaki ngày 15/3/2011, ngày 13/1/2012 và ngày 22/2//2013 (Nguồn: AFP)
Nhiếp ảnh gia của AFP, Toshifumi Kitamura, người hồi tưởng lại những gì mà ông và các phóng viên đồng nghiệp của mình thực hiện trong những ngày sau thảm họa, nói rằng ông đã chờ đợi nhiều bước tiến hơn. “Tôi đã bị sốc khi thấy tốc độ xây dựng lại hai năm sau khi sóng thần tấn công khu vực này lại chậm đến thế nào,” ông nói. “Trở lại nơi này tôi nhớ lại nỗi sợ mà tôi cảm thấy khi ở đây hai năm trước. Nếu tôi ở đây vào ngày sóng thần tấn công, tôi có thể đã chết.”
S.N (Vietnam+)