Nuôi cấy thành công san hô Đại Tây Dương trong phòng thí nghiệm

Các nhà khoa học Mỹ đã nuôi cấy được loài san hô Pillar Đại Tây Dương, một loại san hô đang có nguy cơ bị tuyệt chủng cao.
Nuôi cấy thành công san hô Đại Tây Dương trong phòng thí nghiệm ảnh 1Khu vực rạn san hô Great Barrier. (Nguồn: NASA)

Các nhà khoa học thuộc Trung tâm bảo tồn thủy sinh bang Florida (Mỹ) ngày 26/8 cho biết lần đầu tiên đã nuôi cấy thành công san hô trong phòng thí nghiệm.

Đây được coi là một bước đột phá đáng khích lệ trong cuộc chạy đua để cứu sống "Rạn san hô Great Barrier của châu Mỹ" ở ngoài khơi bang Florida.

Các nhà khoa học đã nuôi cấy được loài san hô Pillar Đại Tây Dương, một loại san hô đang có nguy cơ bị tuyệt chủng cao.

Trước đó, loài san hô Thái Bình Dương cũng đã được nuôi cấy thành công ở bảo tàng Horniman của Anh song chưa từng được thực hiện với san hô Đại Tây Dương.

[Israel và một số nước Arab tham gia dự án bảo vệ san hô tại Biển Đỏ]

Kể từ năm 2015, Trung tâm bảo tồn thủy sinh bang Florida và bảo tàng Horniman đã hợp tác trong chương trình các kỹ thuật nuôi cấy san hô.

Các nhà khoa học sử dụng các kỹ thuật sinh sản mà bảo tàng Horniman đã sử dụng trước đó để kích thích 18 loài san hô ở Thái Bình Dương sinh sản. Theo đó, kích thích san hô thả trứng và tinh trùng vào các bể chứa thủy sinh của phòng thí nghiệm.

Các bể chứa có điều kiện sống hoàn toàn giống với môi trường sống tự nhiên trong chu kỳ kéo dài một năm.

Điều này có nghĩa nhiệt độ của nước sẽ được thay đổi từ Hè sang Đông, sử dụng ánh sáng để tạo chu kỳ bình minh và hoàng hôn, thực hiện các chu kỳ xuất hiện của Mặt Trăng, nhằm tạo môi trường sống phù hợp cho san hô chuẩn bị sinh sản.

Theo các nhà khoa học Mỹ, rạn san hô ở Florida đang bị hủy diệt với tốc độ nhanh chóng do sự biến đổi khí hậu và một căn bệnh phá hỏng mô san hô bắt đầu xuất hiện tại vùng biển này từ năm 2014.

Các nhà khoa học hy vọng kỹ thuật mới sẽ giúp tạo ra những loài san hô khỏe mạnh để phục hồi rạn san hô tại vùng biển này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục