Hy vọng hòa bình

Obama và Rowhani mang tới tia hy vọng hòa bình

Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Iran Hassan Rowhani đã có những động thái tích cực, nhưng chưa thể gặp mặt cấp cao.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Iran Hassan Rowhani đã có những động thái tích cực để kết thúc hàng thập kỷ thù địch giữa hai nước, nhưng vẫn chưa thể phá vỡ bế tắc để tổ chức một cuộc gặp mặt cấp cao. Ông Obama nói một thỏa thuận có thể đạt được nếu Iran giúp Mỹ chấm dứt các quan ngại về chương trình hạt nhân của nước này. Trong khi đó, ông Rowhani kêu gọi ông Obama hãy phớt lờ “những nhóm gây sức ép đòi chiến tranh” để đi tới một thỏa thuận. Ông nói ông đã sẵn sàng cho những cuộc thương lượng “có khung thời gian và mục tiêu rõ ràng”. Khoảng cách lớn trong quan điểm giữa Mỹ và Iran là rõ ràng trong những bài phát biểu của Obama và Rowhani trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và thất bại trong việc thu xếp ít ra là một cái bắt tay biểu tượng cho thấy điều đó. Ông Obama nói sự thiếu tin tưởng giữa Mỹ và Iran “có gốc rễ sâu xa” và việc ngăn chặn Tehran theo đuổi vũ khí hạt nhân tiếp tục là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Nhưng “một thỏa thuận có ý nghĩa” giữa hai kình địch vẫn là khả thi, ông nói thêm. “Tôi không cho rằng chúng ta có thể vượt qua lịch sử khó khăn này chỉ sau một đêm, sự nghi kỵ là sâu sắc,” ông Obama nói. “Nhưng tôi tin rằng nếu chúng tôi có thể giải quyết vấn đề chương trình hạt nhân của Iran, đó sẽ là một bước tiến lớn trên con đường dài tới một mối quan hệ khác hơn, dựa trên những lợi ích chung và sự tôn trọng lẫn nhau. Để thành công, những lời lẽ tốt đẹp phải đi cùng với hành động minh bạch và có thể kiểm chứng. Những trở ngại phía trước có thể là quá lớn, nhưng tôi tin rằng con đường ngoại giao phải được thử nghiệm”. Ông Obama cũng nói ông đã yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry theo đuổi các nỗ lực ngoại giao với Iran. Ông Kerry và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif sẽ gặp nhau lần đầu trong các cuộc đàm phán quốc tế về chương trình hạt nhân của Iran vào thứ Năm này. Rowhani nói Iran “chắc chắn không phải là mối đe dọa với thế giới,” trong bài phát biểu của ông, và lên án những lệnh cấm vận nhắm vào nước này. Nếu ông Obama bác bỏ “những lợi ích ấu trĩ của các nhóm gây áp lực đòi tiến hành chiến tranh, chúng ta có thể đạt được một khung đàm phán để giải quyết các khác biệt,” khẳng định chương trình hạt nhân của nước ông “hoàn toàn vì mục đích hòa bình”.
Obama và Rowhani mang tới tia hy vọng hòa bình ảnh 1
Ông Obama lắng nghe Tổng thống Iran phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc
(Nguồn: AFP)

“Vũ khí hạt nhân và các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác không có chỗ trong học thuyết quốc phòng và an ninh của Iran, và trái ngược với các giá trị tôn giáo và đạo đức nền tảng của chúng tôi,” ông Rowhani nói. Ông cho rằng cộng đồng quốc tế cần chấp nhận hoạt động hạt nhân của Iran, mà các nước phương tây nói chỉ là bình phong để nước này theo đuổi vũ khí nguyên tử. Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đã áp đặt bốn lượt cấm vận với Iran liên quan tới chương trình làm giàu uranium của nước này. Trong một cuộc phỏng vấn qua truyền hình khác, ông Rowhani cũng lên án việc thảm sát người Do Thái, một dấu hiệu khác về sự thay đổi trong quan điểm của giới lãnh đạo mới tại Iran. “Bất cứ tội ác nào trong lịch sử chống lại loài người, bao gồm tội ác của Đức Quốc xã với người Do Thái, là không thể chấp nhận và đáng lên án,” ông Rowhani nói với CNN. Người tiền nhiệm của ông, Mahmoud Ahmadinejad, là một người chỉ trích Israel dữ dội và thường nghi ngờ sự thật về cuộc thảm sát Do Thái. Đã xuất hiện tin đồn về việc ông Obama và ông Rowhani cùng có mặt trong một bữa trưa do Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon chủ trì, nhưng cuối cùng ông Rowhani đã không đến. Một quan chức Mỹ nói cuộc gặp sẽ là “quá phức tạp” cho phía Iran. Nhưng ông Rowhani đã gặp Tổng thống Pháp Francois Hollande, người cũng nói trước Liên Hợp Quốc rằng Iran phải có các biện pháp “rõ ràng” về chương trình hạt nhân để đảm bảo sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế. Mỹ đã cắt quan hệ ngoại giao với Iran từ năm 1980 sau cuộc cách mạng Hồi giáo./.
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục