Phóng viên TTXVN tại London cho biết Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vừa kêu gọi chính phủ Anh nới lỏng các biện pháp hạn chế nhập cư đối với lao động có trình độ cao. OECD cho rằng các quy định hiện hành của Anh "quá hà khắc" và đang làm tổn hại những nỗ lực tăng năng suất lao động ở "xứ sở sương mù."
Trong khảo sát tổng thể về Anh thực hiện hai năm một lần công bố ngày 24/2, OECD cho rằng hạn ngạch thị thực do công ty bảo lãnh - được áp dụng kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - đang trở thành rào cản đối với kinh tế Anh khi nước này đang dần lấy lại nhịp độ tăng trưởng và có tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống.
Theo đánh giá của OECD, ngay kể cả khi chính phủ Anh tăng trần thị thực thì vẫn có một bộ phận lao động tay nghề cao ngoài Liên minh châu Âu (EU) khó có thể tìm được cơ hội làm việc tại Anh do vướng các thủ tục hành chính và pháp lý phức tạp. Các công ty công nghệ nhỏ ở London cũng đang phàn nàn rằng họ không thuê được chuyên gia từ Mỹ hay châu Á do không thể trả được mức lương cao theo như quy định của Bộ Nội vụ để những lao động này có thể được cấp thị thực sang Anh làm việc.
Chính sách hạn chế nhập cư được Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May đưa ra sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu để góp phần thực hiện mục tiêu của chính phủ trong việc giảm lượng nhập cư ròng xuống còn số "hàng chục nghìn." Trong những năm đầu thực hiện, chính sách này không vấp phải sự phản đối nào nhưng cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, nhu cầu phải nới lỏng chính sách ngày càng tăng lên.
Các doanh nghiệp tại Anh phàn nàn rằng việc chính phủ khống chế chỉ cấp tối đa 20.700 thị thực mỗi năm cho những lao động có trình độ cao từ các nước ngoài EU đã kìm hãm đà tăng trưởng của nước Anh.
Trong bản khảo sát, OECD khuyến nghị chính phủ Anh nên khuyến khích những lao động trình độ cao tới làm việc và sống tại Anh vì điều đó có thể giúp London giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực chuyên môn và nâng cao năng suất. Một trong những giải pháp cho việc này là nới lỏng hạn ngạch thị thực do công ty bảo lãnh để tạo điều kiện cho các công ty nhỏ có thể thu hút thêm nhân lực chất lượng cao.
Liên quan đến mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách của chính phủ Anh, khảo sát của OECD ủng hộ mục tiêu này nhưng lưu ý London cần xem xét cẩn trọng cắt giảm thêm nữa để tránh gây áp lực đối với các dịch vụ công./.