Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã đưa ra những đánh giá lạc quan về tình hình kinh tế thế giới trong năm nay, dù các nước sẽ vẫn áp đặt lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội, ngay cả khi các chương trình tiêm chủng vắcxin ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được triển khai trên toàn cầu.
Phát biểu trong chương trình Talking Business Asia của đài BBC, chuyên gia kinh tế hàng đầu của OECD Laurence Boone đánh giá, thế giới có nguy cơ đối mặt với dịch bệnh thêm nhiều tháng, thậm chí là một năm nữa, dù đã đạt được một số kết quả tích cực trong năm 2020.
Trong bối cảnh biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 xuất hiện buộc nhiều nước phải áp lệnh phong tỏa, các chính phủ cần tăng cường hỗ trợ, nhanh chóng tiêm phòng cho người dân, duy trì các biện pháp hiệu quả, an toàn và lâu dài nhất có thể.
[Triển vọng kinh tế, tài chính và tiền tệ thế giới trong năm 2021]
Tuy nhiên, OECD dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2021 sẽ được cải thiện, mặc dù từ mức thấp. Theo OECD, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ tăng trở lại mức trước đại dịch COVID-19 vào cuối năm nay, nhưng sự phục hồi sẽ không đồng đều ở tất cả các quốc gia.
Cụ thể, Trung Quốc sẽ tăng trưởng ở mức 8% trong năm 2021, trong khi các nền kinh tế thành viên OECD khác dự kiến chỉ tăng trưởng trung bình hơn 3%. Triển vọng phục hồi của các quốc gia sẽ phụ thuộc vào công tác tiêm phòng có thuận lợi hay không.
Bà Boone cho rằng các chính phủ phải cần tiếp tục chi tiêu để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với cuộc khủng hoảng chưa từng có hiện nay, ngay cả khi phải linh hoạt hơn trong việc quản lý ngân sách quốc gia. Điều này sẽ khiến tỷ lệ nợ trên GDP tạm thời tăng lên, song sẽ giúp các quốc gia bảo toàn được cơ cấu kinh tế sau khi vượt qua khủng hoảng.
Bà Boone nhấn mạnh đây sẽ là thời điểm các nước đánh giá lại tình hình tài chính công trên toàn quốc không chỉ kể từ dịch COVID-19 bùng phát mà còn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhằm xác định xem liệu chính phủ có đang chi tiền cho các ưu tiên một cách đúng đắn hay không.
Cách tiếp cận này khác với khuyến nghị mà OECD đưa ra đối với các nước sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khi tổ chức này chủ trương ủng hộ chính sách "thắt lưng buộc bụng".
Bên cạnh đó, dự báo của OECD cũng nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng y tế đã đặt ra thách thức đối với cả các nước giàu và nghèo cũng như con đường khó khăn mà các nước đang phải đối mặt. Ngoài ra, OECD cũng cảnh báo về sự gia tăng bất bình đẳng, khi người lao động bị trả lương thấp hơn trong các công việc phi chính thức có nhiều rủi ro nhất./.