OECD ra 15 biện pháp ngăn chặn các công ty đa quốc gia trốn thuế

Theo ước tính, mỗi năm trên toàn thế giới có hàng trăm tỷ USD tiền thuế bị thất thu do các tập đoàn đa quốc gia lách luật.
OECD ra 15 biện pháp ngăn chặn các công ty đa quốc gia trốn thuế ảnh 1Theo OECD, các tập đoàn lớn như Starbucks, McDonald’s hay Google chỉ nộp thuế với các khoản tiền hết sức ít ỏi so với kinh doanh thực của họ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa đạt đồng thuận về các biện pháp buộc các tập đoàn đa quốc gia phải nộp thuế ngay tại nơi hoạt động kinh tế thực sự diễn ra.

Theo ước tính, mỗi năm trên toàn thế giới có hàng trăm tỷ USD tiền thuế bị thất thu do các tập đoàn đa quốc gia lách luật.

Đối tượng của OECD là các tập đoàn đa quốc gia sử dụng cơ chế "tối ưu hóa tài chính," lợi dụng các "thiên đường" thuế để tránh phải nộp thuế tại nước sở tại.

Trong số 15 biện pháp được OECD thống nhất đề xuất để ngăn chặn việc lậu thuế, có việc tập đoàn có doanh thu từ 750 triệu euro mỗi năm trở lên phải khai báo các hoạt động tại mỗi quốc gia, các thông tin sau đó sẽ được cơ quan thuế vụ các nước chia sẻ.

Giám đốc OECD Pascal Saint-Aman cho rằng các biện pháp vừa được đề xuất là "sửa đổi lại hoàn toàn đầu tiên các chuẩn mực tài chính quốc tế kể từ một thế kỷ nay."

Theo ông, các tập đoàn lớn như Starbucks, McDonald’s hay Google chỉ nộp thuế với các khoản tiền hết sức ít ỏi so với kinh doanh thực của họ.

Kế hoạch chống biển thủ thuế nói trên còn phải được các Bộ trưởng Tài chính Nhóm G20, họp tại Peru ngày 9/10 tới thông qua, trước khi được lãnh đạo các nước G20 phê chuẩn vào tháng 11 tới.

Các biện pháp chống trốn thuế của OECD vừa được đưa ra là kết quả của hai năm đàm phán cam go.

Trước đó, nhiều chuyên gia không tin tưởng có thể đạt đồng thuận quốc tế trong vấn đề phức tạp và nhạy cảm này. Hoạt động "tối ưu hóa tài chính" của các tập đoàn đa quốc gia đang gây thiệt hại từ 100-240 tỷ USD/mỗi năm, tương đương với từ 4% đến 10% nguồn thu từ thuế của toàn thế giới.

Tuy nhiên, nhiều tổ chức phi chính phủ vẫn chưa hài lòng với thỏa thuận này. Tổ chức Oxfam và CCFD-Terre Solidaire nhấn mạnh các quy định mới của OECD trên thực tế chỉ liên quan từ 10% đến 15% các tập đoàn quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục