Olympic Paris 2024: Novak Djokovic và lần cuối cho giấc mơ Vàng

Với những tay vợt gần chạm ngưỡng tứ tuần như Djokovic, Rafael Nadal, Andy Murray và Stan Wawrinka, Olympic Paris có thể sẽ là lần cuối cùng họ góp mặt ở sân chơi này.

Djokovic liệu có thể giành huy chương Vàng tại Olympic Paris 2024. (Nguồn: Getty Images)
Djokovic liệu có thể giành huy chương Vàng tại Olympic Paris 2024. (Nguồn: Getty Images)

Novak Djokovic đang dồn tất cả trí lực và sức lực cho giấc mơ Huy chương Vàng Olympic. Nhưng đúng thời điểm tay vợt người Serbia không đạt phong độ đỉnh cao thì các ngôi sao sáng nhất đều sẽ tề tựu ở thủ đô nước Pháp.

Theo thông báo từ Liên đoàn quần vợt quốc tế (ITF), đã có 184 tay vợt từ 41 quốc gia góp mặt trong danh sách thi đấu ở các nội dung thi đấu của môn quần vợt. Trong số này có 64 tay vợt ở mỗi nội dung đơn, và 32 cặp vận động viên ở mỗi nội dung đôi nam/nữ. 16 cặp vận động viên ở nội dung đôi nam nữ sẽ được chốt vào ngày 23/7 tới.

Trong danh sách đăng ký của nam, chỉ có 2 tay vợt nằm trong top 10 ATP vắng mặt. Đó là Andrey Rublev (Nga, dưới tên Đoàn thể thao trung lập) - hiện đang gặp vấn đề về amidan, và Grigor Dimitrov (Bulgaria) - tay vợt vừa dính chấn thương ở Wimbledon. Ở nội dung của nữ, top 10 WTA chỉ vắng duy nhất Aryna Sabalenka cũng vì lý do chấn thương.

Trong quá khứ, các tay vợt lớn thường không mặn mà lắm với Olympic - giải đấu do ITF điều phối, bởi hiệp hội này không tên tuổi bằng Hiệp hội Quần vợt nhà nghề nam (ATP) và Hiệp hội quần vợt nữ (WTA).

Tiền thưởng tại Olympic cũng thấp. Tay vợt giành huy chương Vàng Olympic chỉ nhận được 37.500 USD, thấp hơn các giải trong hệ thống Masters 1000, chứ chưa nói tới Grand Slam.

Bên cạnh đó, thời điểm diễn ra Olympic thường sát các giải lớn, nên nhiều tay vợt không muốn mạo hiểm về thể lực và đối mặt nguy cơ chấn thương.

Nhưng thời gian gần đây, đã có những chuyển biến lớn về tâm lý của các tay vợt. Các ngôi sao thành danh không còn quá quan trọng về chuyện tiền bạc, nhưng khao khát sưu tập thêm tấm huy chương Olympic trong sự nghiệp của mình, nhất là khi sự kiện này 4 năm mới diễn ra một lần.

Ngoài ra, tấm huy chương Olympic có tính chất "màu cờ, sắc áo" hơn là các giải đấu đậm chất cá nhân của ATP và WTA. Dĩ nhiên, ITF vẫn có các giải đấu đồng đội như Davis Cup hay Fed Cup, nhưng Olympic là sự kiện được xem là danh giá hơn, diễn ra 4 năm/lần, và vừa tôn vinh cá nhân, vừa gắn với màu cờ, sắc áo.

Và tại Paris Hè này, người hâm mộ sẽ được chứng kiến thêm một giải đấu không khác gì Grand Slam nữa. Djokovic sẽ quyết tâm phục hận Carlos Alcaraz, trong khi Jannik Sinner muốn khẳng định vị thế số 1 thế giới, còn Alexander Zverev sẽ bảo vệ tấm huy chương Vàng của mình.

Với những tay vợt đã gần chạm ngưỡng tứ tuần như Djokovic, Rafael Nadal, Andy Murray và Stan Wawrinka, đây cũng có thể là lần cuối cùng họ góp mặt ở đấu trường Olympic.

Cách đây 8 năm, người hâm mộ quần vợt tại Rio de Janeiro (Brazil) từng chứng kiến những giọt nước mắt đau đớn của Novak Djokovic khi anh bị Juan Martin Del Potro loại ngay từ vòng 1 của nội dung đơn nam Olympic Rio 2016. Anh thừa nhận rằng "đây là một trong những thất bại đau đớn nhất trong sự nghiệp của mình."

Năm đó, Djokovic đến Rio de Janeiro với sự kỳ vọng rất lớn sau khi đã giành ngôi vô địch Australian Open, Roland Garros, Wimbledon, và người ta đã nhắc đến kỳ tích Golden Slam (4 Grand Slam + huy chương Vàng Olympic) như huyền thoại Steffi Graf từng lập năm 1988. Nhưng Nole đã đụng một đối thủ quá xuất sắc là Del Potro, tay vợt có màn hồi sinh ấn tượng nhất kể từ sau chức vô địch US Open 2009.

Ngôi sao người Argentina thậm chí còn loại cả Rafa Nadal trên hành trình lọt vào đến trận chung kết (thua Andy Murray).

Cho tới thời điểm này, thành tích tốt nhất của Djokovic ở sân chơi Olympic vẫn chỉ là tấm huy chương Đồng tại Bắc Kinh 2008, trong lần đầu tiên anh tham dự Thế vận hội.

Tại London 2012 và Tokyo 2021, Djokovic đều lọt vào Bán kết, nhưng đều thua ở trận tranh huy chương Đồng. Năm 2012 là thất bại trước Del Potro, còn năm 2021 là trước Pablo Carreno Busta.

Dù Djokovic chưa thông báo về thời điểm giải nghệ, nhưng ít người tin anh sẽ góp mặt ở Olympic 2028 tại Mỹ, ở độ tuổi 41. Olympic Paris, vì thế, được coi như cơ hội lớn nhất để Nole hướng tới tấm huy chương Vàng.

Nhưng lần này khác hoàn toàn với năm 2016, khi Nole thậm chí còn chưa có nổi một danh hiệu nào kể từ đầu mùa giải.

Thành tích lọt vào chung kết Wimbledon không thể phủ nhận một thực tế rằng anh rơi vào một nhánh đấu quá nhẹ, và thất bại 0-3 trước Carlos Alcaraz ở chung kết chứng tỏ rằng Nole giờ sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi đối đầu với những tay vợt trẻ trung hơn ở tốp đầu, như Carlos Alcaraz, Jannik Sinner, Alexander Zverev, Daniil Medvedev.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục