Theo hãng AFP, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố sẽ thực hiện những nỗ lực to lớn để thúc đẩy mạnh mẽ nền dân chủ trên toàn thế giới.
Thế nhưng, kể từ khi ông lên nắm quyền, nền dân chủ đã liên tiếp đối mặt với những bước thụt lùi.
Trước khi xảy ra những cơn chính biến, quá trình chuyển tiếp dân chủ ở Myanmar, Sudan và Tunisia đã trở thành động lực to lớn nuôi dưỡng nhiều hy vọng hơn cả. Thế nhưng, Myanmar và Sudan đã chứng kiến sự trở lại cầm quyền của giới tướng lĩnh, bắt giữ những lãnh đạo dân sự và đàn áp các cuộc biểu tình đường phố.
Trong khi đó, tại Tunisia vốn được coi là "cái nôi" của Mùa Xuân Arab cách đây 10 năm, tổng thống nước này nắm giữ những quyền lực rộng lớn.
Mặc dù các yếu tố địa phương đã và đang gây ra những hệ quả nhất định ở mỗi quốc gia, song giới chuyên gia nhận thấy những xu hướng chung làm hủy hoại tiến trình chuyển tiếp dân chủ trên thế giới.
Những xu hướng này bao gồm bất ổn kinh tế ngày càng trở nên trầm trọng vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, giới tinh hoa cầm quyền không đáp ứng được các nguyện vọng của người dân và vai trò ngày càng gia tăng của Trung Quốc vốn có thể hỗ trợ (tài chính) cho các quốc gia bị phương Tây xa lánh.
Ông Derek Mitchell, Đại sứ đầu tiên của Mỹ tại Myanmar sau khi quốc gia Đông Nam Á này chuyển đổi sang chế độ dân sự và hiện là Chủ tịch Viện Dân chủ Quốc gia (NDI) ở Mỹ, nhận định: “Những cuộc tấn công vào nền dân chủ trên khắp thế giới ngày càng gia tăng. Đó là vấn đề của những tư duy cũ nhất quyết không muốn thay đổi, đặc biệt là trong quân đội nơi người ta không dễ dàng từ bỏ quyền lực và đặc quyền.”
Không có giải pháp dễ dàng
Thực hiện cam kết tranh cử, Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố sẽ tiến hành một hội nghị thượng đỉnh gồm hai phần với các nền dân chủ bắt đầu vào tháng 12/2021.
Ông Biden đang tạo ra một sự đối nghịch rõ ràng với người tiền nhiệm Donald Trump, người công khai ca ngợi những lãnh đạo độc tài được coi là hữu ích và là người kích động vụ bạo loạn tại Đồi Capitol hôm 6/1 khi Mỹ xác nhận chiến thắng của ông Biden trong cuộc đua tổng thống.
Ngoại trừ quyết định của ông Biden rút quân khỏi Afghanistan nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài hai thập kỷ của Mỹ trở thành chủ đề gây tranh cãi, ông chủ hiện tại của Nhà Trắng không vấp phải bất kỳ chỉ trích nào liên quan đến sự tồn vong của các nền dân chủ trên thế giới.
[Bạo lực tại Đồi Capitol, công cụ Internet và nền dân chủ mong manh]
Bà Frances Z. Brown, phụ trách công tác hỗ trợ các nền dân chủ thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, giải thích: "Phải mất hàng chục năm để củng cố một nền dân chủ và mất vài năm để có thể hủy hoại nó. Vì vậy, tôi cho rằng không có chính quyền nào có thể làm được nhiều điều trong 9 tháng đầu để có thể thay đổi diện mạo của nền dân chủ toàn cầu.”
Bà Brown, hiện cũng là nhà nghiên cứu cấp cao của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, cho rằng điều quan trọng là ông Biden đã phản ứng nhanh chóng đối với các cuộc đảo chính ở Myanmar và Sudan bằng việc đình chỉ viện trợ cho các nước này.
Bà nói: "Điều đó cho thấy Mỹ đang quan tâm theo dõi vấn đề. Không có một giải pháp dễ dàng nào nhưng tôi nghĩ tất cả đều quan trọng."
Tổng thống Biden cũng đang giữ khoảng cách với các nước đồng minh của Mỹ thời chính quyền tiền nhiệm Donald Trump, ngừng một số hỗ trợ quân sự cho Saudi Arabia và gia tăng một phần viện trợ cho Ai Cập về tiến bộ nhân quyền, mặc dù các nhà hoạt động cho rằng Biden cần "mạnh tay" hơn nữa.
Scott Warren, nghiên cứu sinh tại Viện Agora thuộc Đại học Johns Hopkins, nhận định việc Tổng thống Biden mời các nhà lãnh đạo đến dự hội nghị thượng đỉnh là không đủ và rằng ông cần tập trung ưu tiên xã hội dân sự và giới trẻ.
Ông Warren nói: "Đôi khi, chiến lược của Mỹ để xử lý những vấn đề liên quan đến những nền dân chủ có tính chất phản ứng nhanh và chủ động. Việc có một chiến lược chủ động hơn, xác định những điều kiện nào sẽ đóng vai trò cần thiết trong dài hạn, có ý nghĩa thực sự quan trọng."
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price thừa nhận đã có "những thụt lùi về vấn đề dân chủ ở một số quốc gia nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục dẫn dắt những nỗ lực về vấn đề này."
“Cú sốc đối với hệ thống”
Theo báo cáo Chỉ số Dân chủ mà tờ The Economist của Anh công bố, tình trạng dân chủ toàn cầu trong năm 2020 ở mức thấp nhất kể từ khi cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2006. Nguyên nhân của sự sụt giảm này không chỉ do các cuộc đảo chính mà còn bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy cánh hữu trong các nền dân chủ.
Ông Jonathan Powell, chuyên gia về quan hệ dân sự-quân sự thuộc Đại học Central Florida (Mỹ), giải thích thêm rằng cú sốc kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình suy thoái dân chủ.
Ông lập luận: "Khi các quốc gia đang ứng phó với sự cân bằng rất mong manh giữa chủ nghĩa độc tài và nỗ lực duy trì một số hình thức dân chủ ổn định, trong khi gặp phải một vài cú sốc đối với hệ thống, ngay cả khi cú sốc này không tồi tệ như một số quốc gia khác đang hứng chịu, thì tất cả những điều này đều gây ra một tác động nghiêm trọng."
Tuy nhiên, ông Powell cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng đem lại một giải pháp thay thế bởi cú sốc đối với hệ thống ở thời kỳ này không đến mức như những gì xảy ra với Liên Xô trong thời Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, có một động lực tương tự ở đây khi một bên (ám chỉ Mỹ) cắt giảm viện trợ kinh tế và quân sự, thì một kết luận có thể thấy rõ là các nước sẽ hướng về phía bên kia (ám chỉ Trung Quốc).
Cựu Đại sứ Mỹ tại Myanmar Mitchell thừa nhận có yếu tố Bắc Kinh, nhưng cho rằng đó là sự nhấn mạnh quá mức bởi các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã hành động một cách cơ hội. Tuy nhiên, ông cho rằng với sự phân cực chính trị đang diễn ra mạnh mẽ ở Mỹ và vụ bạo loạn hôm 6/1, Mỹ đã không còn được nhìn nhận là một mô hình dân chủ mạnh mẽ như trước kia.
Ông Mitchell chia sẻ: “Chắc chắn, những người đang đấu tranh cho các quyền dân chủ của mình sẽ không bỏ cuộc vì Mỹ không thể cùng hành động. Tuy nhiên, điều chúng ta mong muốn là Mỹ cần chứng minh được nền dân chủ có thể đem lại (lợi ích) như thế nào"./.