Pháp từng thừa nhận đã đánh giá thấp khả năng kháng cự của Đại tá Muammar Gaddafi trước quân nổi dậy được NATO hỗ trợ.
Trả lời phỏng vấn tạp chí Statafrik, ông Hasni Abidi - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thế giới Arập và Địa Trung Hải - cho rằng sức kháng cự của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi sẽ lâu dài và ông Gaddafi vẫn "bảo toàn được khả năng gây rối" cho đối phương.
Libya hoàn toàn khác với Tunisia hay Ai Cập vì theo ông Hasni Abidi, ở Libya có sự gắn kết giữa chính quyền Gaddafi với bộ máy quân sự và an ninh. Do đó, ở Libya không thể nói đến khả năng quân đội can dự để thúc đẩy nhanh quá trình thay đổi và sự ra đi của tổng thống như ở Tunisia và Ai Cập.
Hơn nữa, Gaddafi có nguồn tài chính khổng lồ đủ để "mua" được liên minh và bảo đảm thu phục được các bộ tộc cũng như mọi thành phần xã hội khác che chở cho ông. Gaddafi đã mất ghế nhưng vẫn còn nguồn tài chính tiềm tàng, đó là các kho vàng và tiền cất giấu ở miền Nam, với hàng trăm triệu đôla, nếu không muốn nói là còn nhiều hơn nữa.
Những người có chức quyền và những người nắm giữ bộ máy an ninh gắn kết với nhau và hiểu rằng Gaddafi ra đi có nghĩa là chế độ sụp đổ, nên họ quyết chiến đấu đến cùng. Một số trung đoàn an ninh vẫn bám trụ quanh Tripoli, không chịu buông vũ khí vì họ biết tương lai của mình gắn liền với Gaddafi.
Ông Hasni Abidi cho rằng Gaddafi đã chuẩn bị kế hoạch cho trường hợp có nổi dậy vì ý thức được nguy cơ đó. Một số trung đoàn an ninh được đào tạo chỉ để thực hiện một sứ mệnh duy nhất là làm sao bảo vệ được Gaddafi trong trường hợp có nổi dậy. Ông Gaddafi cũng đã chuẩn bị để làm sao vẫn có quyền lực sau khi đã rời boongke ở Bab al-Aziziya.
Khả năng gây rối của ông hiện khủng khiếp hơn rất nhiều so với khi ông còn ở Bab al-Aziziya, nhưng rất khó đánh giá. Gaddafi không có căn cứ địa nên không phải là mục tiêu dễ bị tiêu diệt. Chỗ nào cũng có mặt ông, nhưng không ai biết ông ở đâu.
Gaddafi biết rằng nếu không nhanh chóng khôi phục an ninh ở Tripoli thì cả tiến trình chuyển tiếp sẽ bị chậm lại. Tại sao Gaddafi và các con trai ông, nhất là Saif al-Islam, không rời Tripoli khi vẫn còn khả năng để làm việc đó? Con đường đến Tunisia lúc đó vẫn an toàn, nhưng Gaddafi không đi vì ông bị ám ảnh bởi quyền lực và không thể chấp nhận bị mất quyền lực. Vì vậy, ông quyết tâm ở lại chiến đấu đến cùng
Gaddafi và các đồng minh cũng ý thức được rằng không một nước nào có khả năng chống lại áp lực của quốc tế buộc phải giao nộp ông ta và các đồng minh cho Tòa án Hình sự Quốc tế. Một nước lớn như Nam Phi hoàn toàn sẵn sàng đón nhận Gaddafi, nhưng ông biết rằng chẳng nước nào có thể cưỡng lại lệnh của tòa án. Algeria có mối quan hệ tốt với Gaddafi, nhưng trong vài năm nữa tình hình sẽ khác. Chính lệnh bắt của tòa án đã đẩy Gaddafi đến quyết tâm phải chiến đấu.
Tóm lại, ông Hasni Abidi kết luận Gaddafi và người của ông ta vẫn chưa nói lời cuối cùng./.