Phải mất nhiều lần hẹn hò, tôi mới gặp được ông lão Ngô Vi Thọ. Bởi lẽ, dăm bảy lần điện thoại, phía bên kia đầu dây đều đáp rằng ông đang bon bon trên đường xuyên Việt lần thứ 5.
Với nhiều người, đạp xe xuyên Việt được một lần trong đời đã là kỳ tích, thì câu chuyện đạp xe xuyên Việt đến 5 lần của ông lão ở ngưỡng tuổi xế chiều quả là một... chuyện lạ.
Cay mũi nên... xuyên Việt
Trong ngôi nhà ấm áp ở ngõ Cổng Lăng (Thanh Trì, Hà Nội), ông Thọ tóc bạc phơ, dáng người nhỏ bé, chỉ tay vào chiếc xe đạp hoen gỉ dựng ở góc nhà, bảo rằng nó đã theo ông đi khắp những con đường trên dải đất hình chữ S.
Kể ra ông Thọ cũng lắm nghề. Đỗ tú tài toán, nhưng lại đam mê cái nghiệp văn chương. Cũng bởi thế, năm 1957, ông đã từng có thời gian đi viết báo.
Nghiệp văn không thành, ông Thọ đi làm nhân viên thống kê ở nhà in, làm gạch và sau cùng công tác tại phòng thống kê, kế toán tại Nhà máy cơ khí Đồng Tháp rồi về hưu năm 1990.
Câu chuyện đạp xe xuyên Việt của ông Thọ cũng thật lạ. Chế thêm nước sôi vào ấm trà đã cạn, ông bảo rằng, năm 1997 được xem một đoạn phóng sự trên truyền hình, nói về việc có mấy người nước ngoài sang Việt Nam đạp xe xuyên Việt.
“Nghĩ mà ấm ức” – ông Thọ nói – “Họ là người ngoại quốc còn đạp xe xuyên Việt, mình là người Việt chẳng nhẽ lại không?” Khi đó, ông Thọ 62 tuổi và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ UNESCO giao lưu văn hóa, thể thao người cao tuổi tự nguyện Thủ đô do chính ông khởi xướng.
Khi bắt đầu ý tưởng đạp xe đường trường, ông Thọ lại gặp nhiều trở ngại bởi những người bạn già không ai muốn “ngao du” như mình vì lý do sức khỏe. Không nản chí, ông quyết định đi một mình. Nhưng may sao, ông vẫn còn có được hai người bạn đồng hành là ông Đinh Văn Phấn (77 tuổi) và ông Nguyễn Thi (76 tuổi).
Nhận được nhiều lời góp ý nên đạp xe một đoạn đường ngắn để rút kinh nghiệm, nên chuyến đi đầu tiên này, ông Thọ chưa dám xuyên Việt một cách... triệt để. Ba người bạn già chỉ đạp xe vào làng Sen nhân dịp sinh nhật Bác Hồ (19/5/1997). Chuyến đi này đã thành công, khi tất cả đều trở về an toàn và khỏe mạnh.
Sau sự thành công của chuyến đạp xe dài đầu tiên, ông Thọ lục tục chuẩn bị cho chuyến đi xuyên Việt lần thứ nhất. Ông bảo hai người ngoại quốc nọ nói là đạp xe xuyên Việt nhưng chỉ từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh, còn ông sẽ đạp xe từ Lũng Cú vào Cà Mau mới là xuyên Việt đích thực.
Ở lần đạp xe này có tới 28 cụ già đi cùng ông. Chuyến đi bắt đầu từ ngày 21/9/1997 đến 1/1/1998 thì tới nơi. Hành trình của đoàn xuất phát từ Lăng Bác tới Đền Hùng, vòng về cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) rồi xuôi quốc lộ, tới đất mũi Cà Mau.
Vang danh... “U già”
Nhăn cái trán với nhiều “luống cày” hằn dấu thời gian, ông Thọ bảo bóng đá có U 14, U15, thì đội xe của ông cũng được bà con gọi vui là... U già.
Tính đến thời điểm hiện tại, Câu lạc bộ của ông đã thu hút được 151 thành viên tham gia. Người muốn gia nhập không khó, chỉ cần đến sinh hoạt “ví dụ” trong 3 tháng đầu. Nếu thấy phù hợp thì làm đơn nhập hội, lệ phí chỉ 1.000 đồng/tháng.
Ở mỗi chuyến đi, nhóm bạn già đều phải chuẩn bị cẩn thận từ nước uống, lương khô cho đến bộ dụng cụ bơm vá xe đạp. Thậm chí có lần ông Thọ còn ra tay... vá xe hộ người đi đường.
Cũng lạ, đội đạp xe của ông Thọ toàn “u già” với người trẻ nhất cũng ngoại ngũ tuần, người cao tuổi nhất đã ngoại bát thập nhưng trong suốt hành trình, chẳng thấy ai kêu ốm đau, bỏ cuộc giữa chừng.
Về kinh phí, ông cho hay, nếu đi xuyên Việt trong khoảng thời gian 4 tháng, mỗi một thành viên chỉ phải chi phí vào khoảng 1,2 triệu. Số tiền này hầu hết được chi vào việc in cờ, thơ, sách tặng nơi đến và gửi thư liên hệ. Còn chuyện chỗ ở sẽ được liên hệ trước với nơi đến và đa phần đều được địa phương hỗ trợ.
Trong hành trình của mình, điều làm ông Thọ và cả đoàn xúc động nhất là đi đến đâu cũng được chào đón nồng nhiệt. Nhiều địa phương đã treo băng rôn, khẩu hiệu đón đoàn, thậm chí lãnh đạo địa phương cũng đến bắt tay, cảm phục tinh thần và sự dẻo dai của các cụ.
Mới đây nhất, ông Thọ vừa tổ chức chuyến đi nhân “1.000 năm Thăng Long-Hà Nội" khởi hành từ 2/3 đến 29/6 thì cán đích. Chuyến đi này có 15 thành viên, bắt đầu từ tượng đài Quang Trung - Đống Đa tới Lạng Sơn, qua Thái Nguyên, vòng về Sơn Tây theo đường Hồ Chí Minh đến thành phố Hồ Chí Minh rồi Cà Mau. Lúc về, đoàn lại đi theo đường Quốc lộ. Ở chuyến đi này, các cụ đã đi được 47 tỉnh.
Ông Thọ bảo trên mỗi chiếc xe đạp đều cắm cờ đuôi nheo của câu lạc bộ đằng trước, đằng sau cắm cờ màu xanh với khẩu hiệu bảo vệ môi trường. Đi đến đâu, các cụ cũng tặng cờ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, coi đó là món quà của Thủ đô tặng nơi mình đến.
Trong suốt hơn mười năm hoạt động, ông Thọ đã tổ chức được 401 chuyến đi xa, trong đó có 5 chuyến đi xuyên Việt ra trò. Chiếc xe đạp cũ mèm đã đặt bánh tới 63 tỉnh thành và hai lần sang Lào (2007, 2009) và hai lần sang Trung Quốc (2001, 2009).
Ngoài ra, đoàn đạp xe còn rất tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội. Cũng bởi thế, đoàn đạp xe của ông Thọ đã nhận được rất nhiều lời mời của các tổ chức trong những chương trình tuyên truyền về bảo vệ môi trường, giữ gìn đường phố xanh-sạch-đẹp...
Khi tôi hỏi liệu ông có tính được bao nhiêu km mà đoàn đã đạp qua, ông Thọ chỉ cười: “Tính cũng chẳng để làm gì. Mình già rồi, sống vui, khỏe, có ích ngày nào thì gắng mà làm.”
Bởi thế, ngoài việc sáng nào cũng thể dục bằng tập võ cổ truyền và chạy, thì với ông Thọ, việc đạp xe rong ruổi khắp các nẻo đường sẽ được duy trì đến khi nhắm mắt xuôi tay./.
Với nhiều người, đạp xe xuyên Việt được một lần trong đời đã là kỳ tích, thì câu chuyện đạp xe xuyên Việt đến 5 lần của ông lão ở ngưỡng tuổi xế chiều quả là một... chuyện lạ.
Cay mũi nên... xuyên Việt
Trong ngôi nhà ấm áp ở ngõ Cổng Lăng (Thanh Trì, Hà Nội), ông Thọ tóc bạc phơ, dáng người nhỏ bé, chỉ tay vào chiếc xe đạp hoen gỉ dựng ở góc nhà, bảo rằng nó đã theo ông đi khắp những con đường trên dải đất hình chữ S.
Kể ra ông Thọ cũng lắm nghề. Đỗ tú tài toán, nhưng lại đam mê cái nghiệp văn chương. Cũng bởi thế, năm 1957, ông đã từng có thời gian đi viết báo.
Nghiệp văn không thành, ông Thọ đi làm nhân viên thống kê ở nhà in, làm gạch và sau cùng công tác tại phòng thống kê, kế toán tại Nhà máy cơ khí Đồng Tháp rồi về hưu năm 1990.
Câu chuyện đạp xe xuyên Việt của ông Thọ cũng thật lạ. Chế thêm nước sôi vào ấm trà đã cạn, ông bảo rằng, năm 1997 được xem một đoạn phóng sự trên truyền hình, nói về việc có mấy người nước ngoài sang Việt Nam đạp xe xuyên Việt.
“Nghĩ mà ấm ức” – ông Thọ nói – “Họ là người ngoại quốc còn đạp xe xuyên Việt, mình là người Việt chẳng nhẽ lại không?” Khi đó, ông Thọ 62 tuổi và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ UNESCO giao lưu văn hóa, thể thao người cao tuổi tự nguyện Thủ đô do chính ông khởi xướng.
Khi bắt đầu ý tưởng đạp xe đường trường, ông Thọ lại gặp nhiều trở ngại bởi những người bạn già không ai muốn “ngao du” như mình vì lý do sức khỏe. Không nản chí, ông quyết định đi một mình. Nhưng may sao, ông vẫn còn có được hai người bạn đồng hành là ông Đinh Văn Phấn (77 tuổi) và ông Nguyễn Thi (76 tuổi).
Nhận được nhiều lời góp ý nên đạp xe một đoạn đường ngắn để rút kinh nghiệm, nên chuyến đi đầu tiên này, ông Thọ chưa dám xuyên Việt một cách... triệt để. Ba người bạn già chỉ đạp xe vào làng Sen nhân dịp sinh nhật Bác Hồ (19/5/1997). Chuyến đi này đã thành công, khi tất cả đều trở về an toàn và khỏe mạnh.
Sau sự thành công của chuyến đạp xe dài đầu tiên, ông Thọ lục tục chuẩn bị cho chuyến đi xuyên Việt lần thứ nhất. Ông bảo hai người ngoại quốc nọ nói là đạp xe xuyên Việt nhưng chỉ từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh, còn ông sẽ đạp xe từ Lũng Cú vào Cà Mau mới là xuyên Việt đích thực.
Ở lần đạp xe này có tới 28 cụ già đi cùng ông. Chuyến đi bắt đầu từ ngày 21/9/1997 đến 1/1/1998 thì tới nơi. Hành trình của đoàn xuất phát từ Lăng Bác tới Đền Hùng, vòng về cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) rồi xuôi quốc lộ, tới đất mũi Cà Mau.
Vang danh... “U già”
Nhăn cái trán với nhiều “luống cày” hằn dấu thời gian, ông Thọ bảo bóng đá có U 14, U15, thì đội xe của ông cũng được bà con gọi vui là... U già.
Tính đến thời điểm hiện tại, Câu lạc bộ của ông đã thu hút được 151 thành viên tham gia. Người muốn gia nhập không khó, chỉ cần đến sinh hoạt “ví dụ” trong 3 tháng đầu. Nếu thấy phù hợp thì làm đơn nhập hội, lệ phí chỉ 1.000 đồng/tháng.
Ở mỗi chuyến đi, nhóm bạn già đều phải chuẩn bị cẩn thận từ nước uống, lương khô cho đến bộ dụng cụ bơm vá xe đạp. Thậm chí có lần ông Thọ còn ra tay... vá xe hộ người đi đường.
Cũng lạ, đội đạp xe của ông Thọ toàn “u già” với người trẻ nhất cũng ngoại ngũ tuần, người cao tuổi nhất đã ngoại bát thập nhưng trong suốt hành trình, chẳng thấy ai kêu ốm đau, bỏ cuộc giữa chừng.
Về kinh phí, ông cho hay, nếu đi xuyên Việt trong khoảng thời gian 4 tháng, mỗi một thành viên chỉ phải chi phí vào khoảng 1,2 triệu. Số tiền này hầu hết được chi vào việc in cờ, thơ, sách tặng nơi đến và gửi thư liên hệ. Còn chuyện chỗ ở sẽ được liên hệ trước với nơi đến và đa phần đều được địa phương hỗ trợ.
Trong hành trình của mình, điều làm ông Thọ và cả đoàn xúc động nhất là đi đến đâu cũng được chào đón nồng nhiệt. Nhiều địa phương đã treo băng rôn, khẩu hiệu đón đoàn, thậm chí lãnh đạo địa phương cũng đến bắt tay, cảm phục tinh thần và sự dẻo dai của các cụ.
Mới đây nhất, ông Thọ vừa tổ chức chuyến đi nhân “1.000 năm Thăng Long-Hà Nội" khởi hành từ 2/3 đến 29/6 thì cán đích. Chuyến đi này có 15 thành viên, bắt đầu từ tượng đài Quang Trung - Đống Đa tới Lạng Sơn, qua Thái Nguyên, vòng về Sơn Tây theo đường Hồ Chí Minh đến thành phố Hồ Chí Minh rồi Cà Mau. Lúc về, đoàn lại đi theo đường Quốc lộ. Ở chuyến đi này, các cụ đã đi được 47 tỉnh.
Ông Thọ bảo trên mỗi chiếc xe đạp đều cắm cờ đuôi nheo của câu lạc bộ đằng trước, đằng sau cắm cờ màu xanh với khẩu hiệu bảo vệ môi trường. Đi đến đâu, các cụ cũng tặng cờ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, coi đó là món quà của Thủ đô tặng nơi mình đến.
Trong suốt hơn mười năm hoạt động, ông Thọ đã tổ chức được 401 chuyến đi xa, trong đó có 5 chuyến đi xuyên Việt ra trò. Chiếc xe đạp cũ mèm đã đặt bánh tới 63 tỉnh thành và hai lần sang Lào (2007, 2009) và hai lần sang Trung Quốc (2001, 2009).
Ngoài ra, đoàn đạp xe còn rất tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội. Cũng bởi thế, đoàn đạp xe của ông Thọ đã nhận được rất nhiều lời mời của các tổ chức trong những chương trình tuyên truyền về bảo vệ môi trường, giữ gìn đường phố xanh-sạch-đẹp...
Khi tôi hỏi liệu ông có tính được bao nhiêu km mà đoàn đã đạp qua, ông Thọ chỉ cười: “Tính cũng chẳng để làm gì. Mình già rồi, sống vui, khỏe, có ích ngày nào thì gắng mà làm.”
Bởi thế, ngoài việc sáng nào cũng thể dục bằng tập võ cổ truyền và chạy, thì với ông Thọ, việc đạp xe rong ruổi khắp các nẻo đường sẽ được duy trì đến khi nhắm mắt xuôi tay./.
Trung Hiền (Vietnam+)