Ông Hoàng Tuấn Anh là Chủ tịch Ủy ban Olympic VN

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam nhiệm kỳ IV, Tổng thư ký VOC là ông Trần Văn Mạnh.
Ngày 23/9, tại Hà Nội diễn ra Đại hội đại biểu Ủy ban Olympic Việt Nam nhiệm kỳ IV (2012 – 2016) với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng các thành viên Ủy ban Olympic khóa III (VOC).

Ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch được bầu làm Chủ tịch VOC nhiệm kỳ IV. Tổng thư ký VOC là ông Trần Văn Mạnh (Chánh văn phòng Ủy ban Olympic nhiệm kỳ III).

Đại hội cũng bầu Ban chấp hành, Ban thường vụ và các vị trí lãnh đạo nhiệm kỳ IV. Tám Phó chủ tịch được Đại hội bầu chọn là các gương mặt có kinh nghiệm quản lý và có những đóng góp to lớn ở nhiều lĩnh vực cho nền thể thao Việt Nam trong thời gian qua.

Trong nhiệm kỳ mới, VOC sẽ tiếp tục phối hợp chuẩn bị lực lượng vận động viên trọng điểm để tham dự SEA Games 2013, 2015, ASIAD 2014 và Olympic 2016.

Ban chấp hành nhiệm kỳ tới đã đề ra các mục tiêu phấn đấu đạt vị trí 13 ở ASIAD 17 tại Incheon (Hàn Quốc), nằm trong tốp 3 SEA Games 28 tại Singapore và phấn đấu đoạt huy chương vàng tại Thế vận hội Olympic lần thứ 31 tại Rio de Janero (Brazil).

Tại thế vận hội Olympic Mùa đông tại Sochi (Nga) vào năm 2014 dự kiến có vận động viên là Việt kiều tham dự.

Ủy ban Olympic Việt Nam nhiệm kỳ IV cũng sẽ tích cực huy động nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất cho thể thao nước nhà. VOC tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác, hữu nghị về thể thao với các tổ chức thể thao quốc tế, các Ủy ban Olympic quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nữa mà VOC nhiệm kỳ IV đặt ra là phấn đấu để Việt Nam giành được quyền đăng cai Đại hội Thể thao Châu Á lần thứ 18 vào năm 2019 (ASIAD 18-2019). Cho đến thời điểm này, Chính phủ đã thông qua kế hoạch xin đăng cai của VOC.

Nhiệm kỳ qua, Ủy ban Olympic Việt Nam đã tổ chức và tham gia nhiều sự kiện thể thao lớn ở khu vực, châu lục và thế giới như thế vận hội Olympic 2008, Thế vận hội Olympic 2012; ASIAD 16, SEA Games 2009 và 2011.

Trong nhiệm kỳ này, VOC đã tổ chức thành công Đại hội thể thao trong nhà châu Á lần thứ 3, vận động đăng cai Đại hội thể thao Bãi biển Châu Á lần thứ 5 – 2016. Đồng thời, VOC cũng đang tích cực tham gia chiến dịch vận động giành quyền đăng cai Đại hội thể thao Châu Á lần thứ 18 diễn ra vào năm 2019.

Cũng trong nhiệm kỳ qua, thể thao Việt Nam tiếp tục duy trì thành tích ổn định trong tốp thứ 3 của khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, ở châu lục và thế giới, thể thao Việt Nam có dấu hiệu tụt hậu về thành tích so với một số quốc gia trong khu vực. Cụ thể là trong thời gian dài Việt Nam không có chương trình mục tiêu, kế hoạch dài hạn cho ASIAD và Olympic...

Bên cạnh những ưu điểm đạt được, nhiệm kỳ qua cũng còn những nhược điểm như sự phối hợp giữa VOC với các Liên đoàn, hiệp hội còn hạn chế. Xây dựng và triển khai kế hoạch chuẩn bị cho đoàn TTVN còn bị động, thiếu lộ trình cụ thể. Đặc biệt, việc huy động các nguồn lực xã hội, tài trợ còn rất hạn chế…/.

PV (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục