Bình luận về các sự kiện vừa xảy ra tại Washington, các nhà quan sát chính trị tại Nga cho rằng đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump không những đã thực hiện hành động tự sát chính trị, mà còn trở thành nạn nhân trực tiếp của công nghệ “Cách mạng màu.”
Trắng tay
Tiếp sau thất bại trong cuộc bầu cử ngày 3/11/2020, quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ lại thuộc về đảng Dân chủ sau khi các ứng cử viên của họ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở bang Georgia. Ông Trump đã không thể kiềm chế cảm xúc và quyết định “chơi tất tay.”
Nhà lãnh đạo Mỹ đã kêu gọi những người ủng hộ ông đi đến trận chiến cuối cùng nhằm không cho phép thông qua kết quả bầu cử tổng thống và “đặt cược xương máu” của họ. Thế nhưng, một ông Trump, lập dị và tự cao, khó có thể tưởng tượng rằng mọi thứ sẽ diễn biến và đi xa như vậy.
Những người ủng hộ niềm tin vào nước Mỹ mới của Tổng thống Trump từ các bang khác nhau đã tập trung về thủ đô Washington, đáp ứng lời kêu gọi của ông và xông vào Đồi Capitol, vượt qua các đội cảnh sát và chuẩn bị một “vụ thảm sát” thực sự tại thánh địa của chính trị Mỹ - tòa nhà Quốc hội Mỹ.
Họ buộc các nghị sỹ phải bỏ chạy, bao gồm cả Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi - nhân vật thứ ba trong hệ thống phân cấp quyền lực của Mỹ. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng đã phải rút lui và không tán thành hành động của những người biểu tình.
Ông đã cố gắng thúc giục họ không vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật và không thách thức kết quả bầu cử tổng thống. Điều này đã làm ông chủ Nhà Trắng không hài lòng.
[Bạo lực hậu bầu cử Tổng thống: Chia rẽ khó hóa giải thử thách nước Mỹ]
Trên khắp thế giới, những đoạn phim, hình ảnh về những kẻ bạo lực xông vào tòa nhà Quốc hội, phá phách những thành tựu được lưu giữ ở đây hơn một thế kỷ, và sơn lên tường dòng chữ: “Hãy kết liễu các phương tiện truyền thông” đã biến Mỹ thành trò cười cho cả thế giới.
Ba giờ sau “màn trình diễn” bạo loạn điên rồ này, Tổng thống Trump kêu gọi những người ủng hộ ông “hãy về nhà”, nhưng đã quá muộn. Tình hình đã qua điểm không có đường lùi.
Những gì thế giới chứng kiến vào đêm 6/1 tại Washington gợi nhớ sự thay đổi quyền lực ở các nước thế giới thứ ba, nơi mà sự thay đổi quyền lực bằng các biện pháp vi hiến, nếu không phải là một cuộc cách mạng màu mới thì một thực tế phổ biến tương tự có thể được quan sát thấy ở Gruzia, Kyrgyzstan và Ukraine - đất nước của “Chiến thắng Maidan.”
Nhưng không giống như Ukraine, Mỹ sẽ không trở thành đất nước của Maidan chiến thắng, và ông Trump đã trở thành kẻ chiến bại. Ông không thể đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, và ngày 20/1, Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ chính thức nhậm chức.
Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump, người đã thổi bùng những tranh cãi pháp lý của Mỹ, thực sự đã thực hiện một hành động "tự sát chính trị," đặt dấu chấm hết cho tham vọng tổng thống của ông.
Rốt cuộc, ông phải tự hiểu rằng chiến đấu với “Joe ngủ gật” hoàn toàn khác với việc chống lại nền móng của nước Mỹ.
Trong trận chiến này, ông Trump chắc chắn không có cơ hội thắng. Không thể tưởng tượng một nhà lãnh đạo thách thức tất cả, bao gồm cả thành viên đảng Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ, một ngày nào đó sẽ có thể thành lập đảng của riêng ông và tham gia tranh cử trong tương lai như thể không có chuyện gì xảy ra.
Nạn nhân của Cách mạng màu
Theo trang mạng Telegram Kremlin-sekret, để xác nhận chiến thắng của ông Biden, các chiến lược gia của đảng Dân chủ đã đi theo cách thông thường của họ là tiến hành khiêu khích bằng cách sử dụng các công nghệ kỹ thuật thao túng xã hội.
Theo đó, mục tiêu chính của cuộc tấn công vào Đồi Capitol chính là biến Tổng thống Trump trở thành nhân vật “độc hại.”
Đến thời điểm này, không chỉ những người ủng hộ trong đảng Cộng hòa đã quay lưng lại với ông Trump, mà việc luận tội đang được chuẩn bị và Lầu Năm Góc rõ ràng không còn tuân theo mệnh lệnh của ông.
Cuộc biểu tình vốn được cho là thể hiện sự ủng hộ lớn của người Mỹ đối với Tổng thống Trump, đã biến ông thành một “xác sống” chính trị ảo và đánh bật sự ủng hộ chính trị ngay dưới chân của vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Vào hôm 6/1, lúc “giờ X,” khoảng giờ ăn trưa ở Mỹ, các kiến trúc sư của “cuộc bạo động quần chúng” đã cài người của họ vào đám đông.
Những người này đã kích hoạt cơ chế phản xạ tiềm thức của đám đông (lây nhiễm và bắt chước), kích động những người biểu tình chiếm tòa nhà Quốc hội.
Ở đây, các chuyên gia kích động biểu tình hoặc những kẻ khiêu khích đã làm việc tích cực. Nhiệm vụ của họ là luôn kích động đám đông ẩu đả. Những kẻ khiêu khích đóng vai trò như một phần quan trọng của cuộc biểu tình (họ đòi phải thay thế chính quyền), họ đứng lẫn trong đám đông và thể hiện là những người ủng hộ Tổng thống Trump nhiệt thành nhất. Chính những người được gọi là “kẻ cầm đầu” này đã dẫn dắt đám đông tới Đồi Capitol.
Tiếp theo, nạn nhân chính của “cách mạng” không được phép lên tiếng. Và vì thế, ông Trump không thể thanh minh. Tiếng nói của ông đã bị át đi ngay cả trên mạng xã hội: Youtube và Facebook đã xóa các dòng trạng thái của ông, còn Twitter thì khóa tài khoản tạm thời.
Không chỉ có 4 người thiệt mạng trong vụ bạo loạn ở Đồi Capitol, người ta còn nhắc đến một thiết bị nổ được cài đặt mà, theo CNN, các binh sỹ Vệ binh Quốc gia đã tìm thấy và tháo dỡ trước khi tòa nhà bị người biểu tình chiếm giữ.
Nhưng để mọi người tin chắc rằng Tổng thống thứ 45 của Mỹ là người đáng trách, báo giới đã bình luận về những tuyên bố của ông Trump theo hướng có lợi cho “đội” của Biden.
Họ đã sử dụng các công nghệ thao túng nhận thức số đông như: thao túng bình luận, hiệu ứng của “cơn bão thông tin,” đưa tin một chiều các sự kiện, công nghệ thuyết phục nhận thức.
Tổng thống Trump đã tuyên bố rằng “cuộc bầu cử năm 2020 là tham nhũng nhất trong lịch sử Mỹ.”
Điều này ngày càng được thể hiện rõ khi một phần nước Mỹ đang sử dụng những phương pháp mà từ lâu đã được các nhà dân chủ thử nghiệm trong các cuộc “cách mạng màu” ở các nước khác./.