Open API: Cần xây dựng bộ tiêu chí chung để hướng đến nền Kinh tế Số

Các ngân hàng tại Việt Nam đã triển khai Open API từ rất lâu, đem lại dịch vụ tiện ích và hiệu quả tốt cho người dân cũng như khách hàng, tuy nhiên vẫn mang tính tự phát.

Ông Nguyễn Hoàng Long – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ông Nguyễn Hoàng Long – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Thông qua giao diện Open API, hệ thống ngân hàng có thể kết nối, cung cấp toàn bộ cho các chủ thể của nền kinh tế, không chỉ giới hạn trong ngành fintech, tài chính mà còn đến các công ty bán lẻ, công ty dịch vụ logistic, từ đó cung cấp dịch vụ ngân hàng cho toàn thể người dân.”

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Long - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) bên lề hội thảo "Ngân hàng mở/Open Banking 2023: Chuyển dịch mô hình kinh doanh từ đóng sang mở."

- Thưa ông, việc phát triển ngân hàng mở đem lại những lợi ích thiết thực gì cho các chủ thể của hệ sinh thái thanh toán?

Ông Nguyễn Hoàng Long: Trong mô hình ngân hàng mở có 3 chủ thể chính tham gia gồm ngân hàng, bên thứ 3 cung cấp dịch vụ được kết nối thông qua Open API vào hệ thống ngân hàng để chia sẻ thông tin cung cấp dịch vụ cho khách hàng và khách hàng sử dụng dịch vụ.

Khi nói đến Ngân hàng mở (Open Banking) được hiểu là ngân hàng chia sẻ thông tin, dịch vụ cho các công ty Fintech. Qua trao đổi với các chuyên gia trước đây, hiện nay ứng dụng Open API không chỉ giới hạn trong lĩnh vực Open Banking mà mở rộng ra toàn bộ nền kinh tế, Open Banking, Open Finance, Open data.

Thông qua giao diện Open API, hệ thống ngân hàng có thể kết nối, cung cấp toàn bộ cho các chủ thể của nền kinh tế, không chỉ giới hạn trong ngành fintech, tài chính mà còn đến các công ty bán lẻ, công ty dịch vụ logistic, từ đó cung cấp dịch vụ ngân hàng cho toàn thể người dân.

Tôi nghĩ sự kết nối này đem lại lợi ích rất lớn cho toàn thể xã hội, cho các chủ thể tham gia Open Banking và tiến tới Open Data. Nhìn nhận tổng thể như vậy sẽ đưa sự phát triển của Open Banking vào định hướng phát triển của nền kinh tế Số của Chính phủ.

- Từ góc độ của NAPAS, trong quá trình triển khai Ngân hàng mở có những thuận lợi và khó khăn gì khi triển khai không thưa ông?

Ông Nguyễn Hoàng Long: Tôi thấy thuận lợi lớn nhất là các ngân hàng, công ty Fintech và các bên thứ 3 đều rất hứng khởi và chủ động trong triển khai dịch vụ Open Banking. Có thể thấy các ngân hàng không phải mới triển khai Open API mà đã triển khai từ rất lâu, đem lại dịch vụ tiện ích và hiệu quả tốt cho người dân cũng như khách hàng, sự quan tâm của toàn ngành như vậy sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các dịch vụ Ngân hàng mở trong tương lai.

Về khó khăn, các ngân hàng cũng như các bên cũng cần có sự khai thông.

open-banking-mo-ra-co-hoi-phat-trien-cho-cac-ngan-hang-1-4057.jpeg
Open Banking mở ra cơ hội phát triển cho các ngân hàng, tổ chức tài chính, công ty khởi nghiệp công nghệ và nhà cung cấp dịch vụ tài chính trực tuyến. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Thứ nhất, cần có cơ sở pháp lý rõ ràng, đặc biệt trong việc chia sẻ và bảo mật thông tin. Các ngân hàng và các bên có thể an tâm về việc chia sẻ dữ liệu, dữ liệu nào được chia sẻ, bảo mật ra sao.

Thứ hai, cần có tiêu chuẩn chung, vì hiện nay khi ngân hàng triển khai theo tiêu chuẩn của từng ngân hàng, ngân hàng và các trung gian tài chính tự thỏa thuận với nhau. Tuy vậy, để triển khai mạnh trên thị trường thì cần có bộ quy tắc chung.

Theo tôi không những cần có tiêu chuẩn chung, mà còn tiêu chuẩn về sản phẩm, dịch vụ cung cấp, tiêu chuẩn về vận hành. Ví dụ như ứng xử khi giao dịch lỗi xảy ra thì sẽ ứng xử như thế nào và việc đảm bảo quyền lợi cho khách hàng khi xảy ra giao dịch lỗi sẽ tương ứng và có mặt bằng chung cho các bên tham gia cung ứng dịch vụ.

Ngoài các quy chuẩn từ các cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà nước, sẽ có 1 đơn vị vận hành chung, vận hành 1 cái Hub (là một thiết bị mạng cơ bản được sử dụng để kết nối nhiều máy tính hay thiết bị điện tử khác nhau trong cùng mạng LAN), đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật chi tiết, tiêu chuẩn về sản phẩm, dịch vụ, tiêu chuẩn vận hành ứng xử của các bên khi có vấn đề xảy ra cũng là 1 hướng để chúng ta cân nhắc nghiên cứu.

- Ông có thể chia sẻ thêm xu hướng chuyển dịch sang Ngân hàng mở tại Việt Nam hiện nay như thế nào?

Ông Nguyễn Hoàng Long: Xu hướng Ngân hàng mở trên thế giới đã phát triển mạnh mẽ ở châu Âu cũng như châu Á tại các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... kể cả những nước láng giềng của Việt Nam là Philippines cũng triển khai rất mạnh.

Hiện nay ở Việt Nam, theo tôi biết, việc phát triển Ngân hàng mở mang tính tự phát do giữa các bên ngân hàng cung cấp hệ thống Open API nhằm chia sẻ dữ liệu cho các bên thứ ba để triển khai dịch vụ.

bidv-2604.png
BIDV vừa ra mắt Open API tạo hệ sinh thái mở giúp tích hợp các dịch vụ ngân hàng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong thời gian tới, tôi tin với sự định hướng của Ngân hàng Nhà nước, sự quan tâm của ngành Ngân hàng, của đơn vị hạ tầng thanh toán như NAPAS, xu hướng Ngân hàng mở sẽ được chuẩn hóa về mặt kỹ thuật, cơ sở pháp lý, trong đó Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra thông tư, hướng dẫn để các ngân hàng, các bên thứ 3 có thể cung cấp nhiều ngân hàng mở cho khách hàng.

Đặc biệt, các đơn vị cung cấp hạ tầng thanh toán như NAPAS cũng sẵn sàng chuẩn bị cơ sở, sản phẩm dịch vụ để đón kịp và phục vụ ngân hàng và các bên thứ 3 cung cấp dịch vụ trên hạ tầng Ngân hàng mở.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục