Háo hức chờ diễu binh

"Ôsin" cũ quay về Hà Nội háo hức chờ diễu binh

Giữa các sự kiện văn hóa lớn, có những kế hoạch mừng Đại lễ giản dị như những ước mơ “nho nhỏ” của muôn vàn người dân lao động...
Trong không khí Đại lễ, Hà Nội lúc nào cũng đông nghịt người. Khu vực hồ Hoàn Kiếm, phố cổ… luôn đông đúc khách tham quan, trong đó có nhiều người đã từng làm người giúp việc ("ôsin") ở Hà Nội giờ muốn quay trở lại để được chiêm ngưỡng một Thủ đô tráng lệ mà trước đây họ chưa có cơ hội tham quan.

Bên cạnh đó, nhiều người còn muốn được xem những đoàn diễu binh, diễu hành của quân đội, nhân dân ta tràn trề khí thế. Mỗi người đến từ một nơi, mỗi người một tâm sự, nhưng đều có một lòng thành hướng về Thủ đô nghìn tuổi.

Tất tả tay nải, ba lô, túi xách, chồng đi trước, vợ đi sau, ít ai biết chị Nguyễn Thị Mây (Ninh Bình) đã từng sống và làm việc ở Hà Nội 5 năm, nhưng hiện giờ quay trở lại Hà Nội để chuẩn bị đón xem diễu binh, diễu hành, bắn pháo hoa và thăm thú Hà Nội.

Chị Mây cho biết, chị lên Hà Nội làm giúp việc trông trẻ cho một gia đình ở khu Tập thể Nam Đồng. Mặc dù sống ở Hà Nội 5 năm, nhưng chị chẳng biết đường sá Hà Nội vì chẳng có việc gì mà phải ra phố cả, suốt ngày chỉ loanh quanh khu tập thể.

Thời gian vừa qua, gia đình chị có việc nên phải về quê. “Tôi về mà vẫn cứ tiếc là chưa được đi đâu cả. Lần này nghe tivi, nghe đài nói nhiều về chuẩn bị Đại lễ nghìn năm, tôi bàn với chồng phải quay trở lại Hà Nội bằng được. Đúng là hoành tráng, to đẹp quá! Lần đi này của tôi đúng là đáng lắm!” – chị cười tươi, vẻ háo hức rạng ngời trên khuôn mặt.

Hòa vào dòng người đông đúc trước cửa Nhà hát Lớn Hà Nội tối 7/10, bà Trần Thị Vân (Hà Nam) đã không giấu nổi niềm xúc động khi được chứng kiến cảnh các chiến sỹ diễu binh dừng chân ở đây. “Đẹp quá cơ cô ạ. Từ bé đến giờ tôi mới được xem một lực lượng hùng hậu như thế này. Đây mới là tổng duyệt của đoàn diễu binh mà sao đã hoành tráng thế. Nhất định, sáng ngày 10/10 tôi phải cho cháu đi xem mới được."

Ở quê, nghe dân kháo nhau, đợt diễu binh này có đến mấy chục nghìn người, đi qua nhiều tuyến phố, mà chỉ có dịp này mới có. Một phần vì nhớ, một phần vì muốn cho cháu lên Hà Nội để cho cháu biết đến Thủ đô nên hai bà cháu đã đi từ sáng 7/10 và đang ở nhờ nhà người quen.

“Tôi đã từng làm giúp việc tại Hà Nội 7 năm, nhưng bây giờ có tuổi rồi nên không đi làm nữa, với lại các em cũng đã trưởng thành, gia đình giờ cũng không đến nỗi nào nên tôi về nhà trông cháu. Tuy nhiên, thời gian làm việc ở Hà Nội, tôi cũng chẳng được đi đâu cả. Giờ muốn quay lại để được xem cho thỏa thích”.

Nhìn cậu bé 10 tuổi ngơ ngác, cái gì cũng thấy lạ, cũng thấy đẹp, miệng cứ xuýt xoa: “Đẹp quá bà ơi, quê nhà mình bao giờ mới có những chùm đèn sáng như thế kia cơ chứ!”.

Bà cho biết thêm, nghe nói phần diễu binh, sẽ có 10 máy bay trực thăng mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc và khẩu hiệu mang dòng chữ “Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội” . "Tôi lên lại Hà Nội dịp này đúng là không uổng chút nào. Hai bà cháu sẽ được xem những hình ảnh đẹp nhất, được đi chơi Hồ Gươm, đi ăn kem rồi đi cả xe điện nữa...," bà Vân hào hứng.

Không kém phần cảm động là chia sẻ của chị Lưu Thị Vinh (Phú Thọ). Chị cho biết, Hà Nội là nơi đã giúp chị có công ăn việc làm, là nơi đã bao bọc chị trong suốt 12 năm. Quê chị nghèo lắm, chẳng có nghề phụ, ruộng ít nên làm không đủ ăn. Mặc dù chỉ là làm giúp việc cho nhà người ta và nhiều vất vả nhưng đến giờ Thủ đô vẫn là nơi chị hướng về hàng ngày, hàng giờ. Niềm vui của chị còn được nhân lên gấp bội khi cả hai đứa con lớn đều đang học ở những trường Đại học tại Hà Nội.

“Tôi và 2 cháu sẽ đến ở nhờ nhà người quen trên phố Nguyễn Thái Học để sáng mai sẽ xem đoàn diễu binh đi qua đây. Tôi thấy háo hức quá, chắc đêm nay sẽ không thể ngủ được!” chị Vinh chia sẻ.

Không được may mắn như chị Vinh, chị Lê Hoài Nam cùng chồng và con trai (quê Nghệ An) đã ra Hà Nội từ ngày 6/10, vì không có người quen ở Hà Nội nên vợ chồng chị đã thuê nhà trọ trên đường Lê Duẩn, gần ga Hà Nội.

“Hơi tốn kém một chút nhưng tôi vẫn muốn đưa chồng và con ra đây chơi. Chồng tôi mới ra Hà Nội có một lần, còn tôi đã làm ở đây 5 năm rồi, nên cũng có thể làm 'hướng dẫn viên' cho cả nhà được mấy hôm,” chị cười hóm hỉnh.

Có đi mới thấy Hà Nội đẹp và đúng là tràn ngập không khí Đại lễ. May mắn hơn, gia đình chị còn được chiêm ngưỡng bức tranh thêu tay “Hồn thiêng Đại Việt” của các nghệ nhân Đông Thành-Ninh Bình, cậu con trai thích mê.

“Tôi chưa một lần được đặt chân về Ninh Bình nhưng qua bức tranh này, tôi đã hiểu những giá trị lịch sử oai hùng, anh dũng diễn ra trên vùng đất này,” chị Nam cho biết.

Không chỉ khiến con trai “thích mê” mà hai vợ chồng chị Nam cũng đã có được một ngày nghỉ ngơi, quây quần đáng nhớ.

“Lâu lắm rồi mới có một hôm hai vợ chồng có thời gian đi với nhau. Cứ ruộng vườn, làm ăn, không có dịp Đại lễ này cũng không biết đến bao giờ chúng tôi mới có một ngày đáng nhớ như vậy,” chị Nam cười hạnh phúc.

Giữa những kế hoạch, những sự kiện văn hóa lớn đang diễn ra, có kế hoạch mừng Đại lễ nào giản dị hơn những ước mơ “nho nhỏ” của chị Vinh, chị Vân? Âu đó cũng là một cách thể hiện tấm lòng thành hướng về Thủ đô nghìn năm tuổi./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục