Panasonic chuyển dây chuyển sản xuất từ Trung Quốc về Nhật Bản

Panasonic quyết định chuyển dây chuyền sản xuất điều hòa không khí dùng cho các tòa nhà từ Trung Quốc về cơ sở chính ở thị trấn Oizumu, tỉnh Gunma, Nhật Bản.
Panasonic chuyển dây chuyển sản xuất từ Trung Quốc về Nhật Bản ảnh 1Dây chuyền sản xuất điều hòa của Panasonic. (Nguồn: Nikkei)

Ngày 19/7, đại diện Tập đoàn Panasonic Holdings đã thông báo sẽ di chuyển phần lớn hoạt động sản xuất điều hòa không khí dùng cho các tòa nhà ở Nhật Bản từ Trung Quốc về cơ sở chính ở thị trấn Oizumu, tỉnh Gunma.

Hiện nay, khoảng 90% máy điều hòa không khí của Panasonic được sản xuất ở nước ngoài, chủ yếu tại tỉnh Đại Liên, Trung Quốc nhưng xét từ nhiều yếu tố khác nhau, hãng này đã quyết định di chuyển dây chuyển sản xuất về trong nước.

Khoảng 2 tỷ yen (hơn 14 triệu USD) sẽ được Panasonic đầu tư vào kế hoạch này và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng Ba năm sau.

[Panasonic chuyển dây chuyền sản xuất tủ lạnh, máy giặt sang Việt Nam]

Dây chuyền sản xuất mới sẽ được đầu tư mạnh để cải thiện về mức độ tự động hóa và dự kiến sẽ rút ngắn khoảng 2/3 thời gian hoàn thành sản phẩm so với hiện tại.

Theo ông Hiro Ikeda, Giám đốc phụ trách giải pháp thiết bị của Panasonic, nguyên nhân chính dẫn đến quyết định điều chỉnh này là nhu cầu nâng cấp dây chuyền công nghệ nhằm cải thiện hiệu suất.

Do việc sản xuất máy điều hòa không khí thương mại sử dụng cho các tòa của Panasonic nhà hiện có tỷ lệ tự động hóa thấp nhưng lại đòi hỏi trình độ tay nghề cao của lao động thủ công.

Trong khi đó giá nhân công tại Trung Quốc ngày càng tăng làm giảm đáng kể lợi nhuận và khó cạnh tranh giá cả với các mặt hàng tương tự của các hãng khác.

Tháng Sáu vừa qua, Panasonic cũng đã thông báo kế hoạch sẽ chuyển dây chuyền sản xuất mẫu máy điều hòa không khí gia đình cao cấp và tầm trung có hiệu suất tiết kiệm năng lượng cao về Nhà máy Kusatsu ở tỉnh Shiga vào năm tài chính 2024.

Dự kiến số tiền được huy động cho kế hoạch này vào khoảng 10 tỷ yen (hơn 70 triệu USD).

Với việc tăng cường hàm lượng tự động hóa, thời gian sản xuất hàng hóa dự kiện sẽ được rút ngắn xuống còn 1/4 so với hiện tại và lợi nhuận sẽ tăng khoảng 4 tỷ yen (28 triệu USD).

Ngoài ra, một trong những nguyên nhân quan trọng là lo ngại về căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang tiềm ẩn nhiều nhân tố khó lường đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt phong tỏa của Trung Quốc do dịch COVID-19 trong gần 3 năm.

Hơn nữa, doanh nghiệp này cũng tính đến việc giảm bớt được chi phí vận chuyển thành phẩm từ Trung Quốc về Nhật Bản theo phương châm mới “sản xuất trong nước phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục