Phải chăng quan hệ Mỹ và Trung Quốc đang ở ngã ba đường?

Các nhà kinh tế chỉ ra rằng cả hai quốc gia đều đạt được lợi ích từ thương mại, nhưng các nhà chiến lược cho rằng về quyền lực tương đối, Trung Quốc đã thu được nhiều hơn.
Phải chăng quan hệ Mỹ và Trung Quốc đang ở ngã ba đường? ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải, phía trước) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái, phía trước) tại lễ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một ở Washington DC., ngày 15/1/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trang mạng nationalinterest.org đưa tin việc không còn phụ thuộc lẫn nhau trong một số lĩnh vực có thể xảy ra, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến công nghệ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia.

Nhưng liệu Washington và Bắc Kinh có đi quá xa?

Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố tạm thời đình chiến thương mại với Trung Quốc.

Các nhà kinh tế chỉ ra rằng cả hai quốc gia đều đạt được lợi ích từ thương mại, nhưng các nhà chiến lược cho rằng về quyền lực tương đối, Trung Quốc đã thu được nhiều hơn.

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence gần đây đã chỉ ra rằng trong 17 năm qua, GDP của Trung Quốc đã tăng hơn 9 lần và Mỹ nên coi Trung Quốc là một đối thủ chiến lược.

[Tổng thống Trump: Thỏa thuận Mỹ-Trung "tốt hơn nhiều" so với mong đợi]

Thời kỳ những lời hoa mỹ của các chính quyền trước đây về sự can dự đã qua, và mặc dù ông Pence phủ nhận điều đó, nhiều nhà quan sát cho rằng việc tách rời giữa hai quốc gia đã bắt đầu.

Mới đây, cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd đã tổng kết nhiều vấn đề của sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc.

Về thương mại, Mỹ nhập khẩu tới 19% kim ngạch hàng hóa xuất đi của Trung Quốc trong khi Trung Quốc chỉ chiếm 8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ, nhưng bất chấp tỷ lệ 2/1 bất đối xứng này, Mỹ không có tất cả các lá bài trong trò chơi này và Trung Quốc biết điều đó.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng nguồn vốn FDI của Mỹ vào Trung Quốc là 269 tỷ USD trong khi vốn FDI của Trung Quốc tại Mỹ đạt 145 tỷ USD, nhưng tỷ lệ luồng vốn hàng năm đã giảm khi cả hai thắt chặt những ràng buộc chính sách.

Về thị trường vốn, giao dịch tài chính tổng cộng đạt hơn 5 nghìn tỷ USD bao gồm gần 2.000 tỷ giá trị cổ phiếu trong danh sách niêm yết của Trung Quốc trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ và 1.300 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ do Trung Quốc nắm giữ.

Ông Rudd lập luận rằng mặc dù có những khó khăn chiến lược, hai chính phủ sẽ không tách rời các thỏa thuận này.

Có khả năng sẽ có sự tách rời trong một số lĩnh vực phụ thuộc lẫn nhau, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến công nghệ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia.

Cả hai bên sẽ muốn hạn chế những lỗ hổng gây nguy hiểm cho cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc có ý nghĩa quan trọng đối với các vị trí quân sự hoặc sự ổn định chính trị.

Chẳng hạn, sẽ là một sai lầm khi cho phép tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc xây dựng các mạng lưới viễn thông của Mỹ và Trung Quốc từ lâu đã hạn chế các công ty như Google và Facebook vì lý do bảo mật.

Giảm bớt rủi ro chiến lược mà không đánh thuế phi lý là điều khó khăn, vì các chuỗi cung ứng phức tạp không dễ dàng bỏ dở.

Nhưng các cuộc đàm phán song phương và đa phương có thể giúp ngăn chặn sự tách rời một phần về mặt kỹ thuật trở thành sự cầu cứu chủ nghĩa bảo hộ toàn phần.

Tăng trưởng kinh tế châu Á nhanh chóng đã chuyển cán cân quyền lực sang khu vực này, nhưng châu Á cũng có sự cân bằng nội tại của riêng họ. Quyền lực của Trung Quốc được cân bằng bởi Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.

Không ai muốn bị Trung Quốc thống trị, mặc dù không ai muốn thấy một chiến lược ngăn chặn Chiến tranh Lạnh sẽ buộc họ phải "ly hôn" về mặt kinh tế với Trung Quốc.

Ông Rudd nói thêm nếu Mỹ duy trì các liên minh ở khu vực, triển vọng Trung Quốc có thể đẩy Mỹ khỏi Tây Thái Bình Dương, giảm bớt sự thống trị của Mỹ trên thế giới là rất thấp. Chúng ta nắm trong tay quân bài để điều khiển cuộc đua chiến lược cạnh tranh truyền thống với Trung Quốc.

Câu hỏi khó hơn cho một chiến lược hiệu quả sẽ là liệu Mỹ và Trung Quốc có bày tỏ thái độ cho phép hai nước hợp tác sản xuất hàng hóa công cộng toàn cầu và quản lý sự phụ thuộc lẫn nhau trong khi cạnh tranh trong các lĩnh vực khác.

Những sợ hãi thái quá và các phân tích tình huống xấu nhất khiến cho một chính sách cân bằng như vậy trở nên khó khăn, và những nỗ lực vội vàng tách rời khỏi sự phụ thuộc lẫn nhau dẫn đến một chiến lược thất bại làm giảm sức mạnh của hai siêu cường./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục