Phân cấp cho địa phương trong quy hoạch đô thị

Chiều 24/12, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn của Dự án Luật Quy hoạch đô thị và Dự án Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung điều 10 Pháp lệnh Dân số năm 2003.

Chiều 24/12, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn của Dự án Luật Quy hoạch đô thị và Dự án Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung điều 10 Pháp lệnh Dân số năm 2003.

So với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị mới gồm 76 điều, giảm 5 điều.

Cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến về một số nội dung lớn như tên gọi của dự thảo Luật; mối quan hệ giữa Luật Quy hoạch đô thị với các luật có liên quan, giữa quy hoạch đô thị với các quy hoạch khác; Hội đồng kiến trúc quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng; trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch; thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị; quản lý xây dựng không gian ngầm.

Về vấn đề trách nhiệm tổ chức quy hoạch đô thị, cơ quan soạn thảo cho rằng Dự thảo Luật đã quy định thẩm quyền tổ chức lập quy hoạch đô thị theo hướng phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền địa phương, đề cao trách nhiệm của địa phương trong công tác quy hoạch đô thị.

Riêng đối với Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai đô thị đặc biệt, có quy mô lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với quốc gia, có sức lan tỏa với khu vực xung quanh.


Theo Ủy ban Kinh tế, cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật, thẩm quyền tổ chức lập quy hoạch đô thị là vấn đề quan trọng cần cân nhắc, xem xét kỹ để đảm bảo quy hoạch đô thị được lập một cách hợp lý, khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế và tình hình phát triển kinh tế- xã hội ở từng cấp, từng địa phương, định hướng tốt cho việc phát triển đô thị trong tương lai.

Ủy ban Kinh tế cho rằng chính quyền địa phương nắm vững, đầy đủ, sâu sắc, toàn diện cả về thực trạng, triển vọng, yêu cầu phát triển của đô thị đó trong mối quan hệ gắn bó với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Vì vậy đề nghị quy định thẩm quyền tổ chức lập quy hoạch đô thị theo hướng đề cao vai trò trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện trong việc tổ chức lập quy hoạch đô thị tại địa phương.
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nên để UBND thành phố tổ chức lập quy hoạch đô thị, Bộ Xây dựng tổ chức thẩm định, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thảo luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ủng hộ phương án với những thành phố đặc biệt cần giao cho Bộ Xây dựng tổ chức lập quy hoạch và thuê tư vấn thẩm định, các thành phố còn lại sẽ phân cấp cho các địa phương tổ chức lập quy hoạch đô thị.

Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nêu dự thảo cần có điều điều quy định về Quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị do Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng, trình Chính phủ quyết định. Về thẩm quyền tổ chức lập quy hoạch, phê duyệt nội dung và đề án có liên quan, nếu thực hiện phương án của cơ quan soạn thảo, Dự thảo Luật cần quy định rõ cơ quan thẩm định quy hoạch do Bộ Xây dựng lập.

Ông Kiên cũng cho rằng cần cân nhắc đặc thù của Việt Nam, Hà Nội trung tâm chính trị của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh có vai trò rất lớn với cả vùng nên xác định theo hướng giao cho Bộ Xây dựng thực hiện việc tổ chức lập quy hoạch đô thị. Quy hoạch đô thị do chính quyền địa phương lập sẽ do Bộ Xây dựng tổ chức thẩm định.

Cũng trong chiều nay, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về Dự án Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung điều 10 Pháp lệnh Dân số.

Tờ trình của Chính phủ về dự án nêu rõ một số kết quả đã đạt được sau 5 năm thực hiện Pháp lệnh. Tuy nhiên, việc quy định thiếu chặt chẽ tại điều Điều 10 Pháp lệnh Dân số năm 2003: “mỗi cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định số con” đã làm cho việc thực hiện chỉ tiêu giảm sinh hàng năm thêm khó khăn.

Khắc phục tình trạng này, từng bước đưa công tác dân số kế hoạch hoá gia đình ngày càng đi vào nền nếp, tạo điều kiện cho việc thông tin giáo dục, truyền thông rõ ràng cụ thể, cần thiết phải có cách hiểu thống nhất về quy mô gia đình ít con, thực hiện có hiệu quả việc quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình, việc ban hành Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung Điều 10 Pháp lệnh Dân số năm 2003 là hết sức cần thiết.

Thảo luận về vấn đề này, các Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều tán thành về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Điều 10 Pháp lệnh Dân số năm 2003 để thực hiện mục tiêu giảm sinh hàng năm, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Các đại biểu cho rằng vệc sửa đổi pháp lệnh cần bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, kết hợp giữa ý kiến của cơ quan thẩm tra và tờ trình của Chính phủ; kết hợp sửa Điều 10 và Điều 4 của Pháp lệnh Dân số 2003; cần nghiêm túc khắc phục những bất cập trong công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình theo hướng đảm bảo quy mô ít con trong mỗi gia đình, cần quy định rõ mỗi gia đình chỉ có 1-2 con.

Các đại biểu cũng cho rằng quy định như vậy không vi phạm công ước quốc tế xóa phân biệt đối xử với phụ nữ mà Việt Nam đã tham gia. Quy định rõ ràng như vậy thuận lợi hơn trong quá trình triển khai thực hiện.

Để công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình đạt hiệu quả cao, cần coi trọng công tác tuyên truyền, củng cố tổ chức làm công tác dân số, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, có chính sách khuyến khích sinh đẻ ít con..../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục