Do tác động của gió mùa Đông Bắc kết hợp với triều cường, từ tháng 12/2011 đến nay đã xảy ra tình trạng biển xâm thực mạnh khu dân cư thuộc phường Đức Long thành phố Phan Thiết (Bình Thuận).
Tính đến chiều 1/1, đã có 15 căn nhà bị sập và hư hỏng nặng, hơn 50 căn nhà còn lại đang bị sạt lở và có nguy cơ bị sập bất cứ lúc nào.
Ông Đặng Đình Hiếu, Phó Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết cho biết: Đã có dự án và bố trí được 46 hộ dân trong khu vực Phường Đức Long. Nhưng vẫn còn 50 hộ khác mới phát sinh chưa bố trí tái định cư được do thiếu đất.
Hiện các hộ dân còn lại ven biển bị xâm thực đang rất lo lắng, người dân vẫn phải tự mình đóng cừ tràm, đấp bao cát làm kè để bảo vệ nơi ở cho mình.
Theo ông Nguyễn Bá Huề, Trưởng khu phố 5, mấy chục hộ dân còn lại đang phải vất vả với những cơn sóng dữ để tìm mọi cách níu lại chỗ ở của mình. Nhà nào có tiền thì bỏ ra vài chục triệu đồng để đổ đá làm kè che chắn giữ đất; nhà nào không có đành phải chịu.
Chính quyền tỉnh Bình Thuận đã huy động người dân dùng hàng ngàn bao cát, đóng cọc gia cố đê biển để bảo vệ tính mạng và tải sản cho người dân. Tuy nhiên chỉ sau 1 đêm, sóng lại cuốn tất cả ra biển.
Hiện ở dãy nhà sát biển còn lại không ai dám ngủ lại nhà mình ban đêm vì nhà có thể sập bất cứ lúc nào. Tháng 12 là thời điểm sóng mạnh nhất trong năm và kéo dài tới tháng 3 năm sau. Thời điểm sóng dữ dội nhất là vào khoảng từ 18 giờ đến 2 giờ sáng.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận, tình trạng xâm thực trên địa bàn xảy ra ngày càng nghiêm trọng hơn. Một phần do nước biển có dâng cao và sóng biển vỗ trực diện vào bờ, gây xói lở rất nhanh.
Không chỉ riêng Phan Thiết, tại các huyện Tuy Phong, thị xã Lagi, huyện đảo Phú Quý điều xảy ra tình trạng xâm thực. Trong đêm 11 và rạng sáng ngày 12/12/2011, biển xâm thực làm nhà ở của nhiều hộ dân huyện Tuy Phong bị sóng và nước biển làm cho hư hại, thiệt mạng 2 ngư dân, 5 căn nhà bị sập hoàn toàn và hàng chục căn nhà bị hư hỏng nặng./.