Phản ứng của EU khi Nga yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng ruble

Công ty năng lượng quốc gia PGNiG của Ba Lan tuyên bố sẽ không thanh toán tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng ruble trong khi phía Italy, Đức cho rằng yêu cầu của phía Nga đã "vi phạm hợp đồng."
Phản ứng của EU khi Nga yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng ruble ảnh 1Một nhà máy lọc dầu của Nga ở vùng Astrakhan. (Ảnh: TASS/TTXVN)

Công ty năng lượng quốc gia PGNiG của Ba Lan ngày 24/3 tuyên bố sẽ không thanh toán tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng ruble, viện dẫn hợp đồng mua bán trước đó giữa hai bên đã thống nhất phương thức thanh toán.

Hợp đồng cung cấp khí đốt hiện tại giữa Nga và Ba Lan sẽ hết hạn vào cuối năm nay.

Cùng ngày 24/3, Thủ tướng Italy Mario Draghi tuyên bố rằng bất kỳ yêu cầu nào của Nga về việc nhận thanh toán tiền khí đốt bằng đồng ruble là hành vi vi phạm hợp đồng.

Thủ tướng Draghi cho rằng vấn đề này chưa được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nhưng có thể sẽ được các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) xem xét.

Đức, nước nhập khẩu 55% nhu cầu khí đốt tự nhiên từ Nga trước khi xảy ra xung đột, cho rằng quyết định của Tổng thống Putin là vi phạm hợp đồng và Berlin sẽ thảo luận với các đối tác châu Âu về phản ứng với Nga.

[Nga yêu cầu châu Âu thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng ruble]

Trong khi đó, lãnh đạo công ty năng lượng OMV của Áo cũng nói rằng hợp đồng với Nga không cho phép việc thanh toán bằng đồng ruble.

Hôm 23/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga sẽ chỉ chấp thuận thanh toán bằng đồng ruble cho các hợp đồng chuyển khí đốt tới "những nước không thân thiện," trong đó có tất cả các nước thành viên EU, sau khi Moskva phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt chưa từng có từ phương Tây liên quan vấn đề Ukraine.

Tuy nhiên, ông khẳng định Nga sẽ vẫn tiếp tục cung cấp đủ lượng khí đốt theo hợp đồng. Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Putin, đồng ruble - vốn mất giá nghiêm trọng kể từ khi xảy ra xung đột ở Ukraine - đã tăng giá so với đồng USD và đồng euro, trong khi giá khí đốt cũng tăng lên.

Hiện khí đốt từ Nga chiếm khoảng 40% tổng lượng tiêu thụ ở châu Âu. Lượng khí đốt nhập khẩu của EU từ Nga trị giá trong khoảng 200 triệu đến 800 triệu euro/ngày./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục