Pháp cấm chính trị gia thuê người thân làm trợ lý trong Quốc hội

Theo một số quy định mới vừa được đa số Hạ viện Pháp bỏ phiếu thông qua ngày 27/7, các chính trị gia Pháp sẽ không được tuyển dụng vợ/chồng hoặc con cái vào vị trí trợ lý trong Quốc hội.
Pháp cấm chính trị gia thuê người thân làm trợ lý trong Quốc hội ảnh 1Toàn cảnh một phiên họp của Hạ viện Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo một số quy định mới vừa được đa số thành viên Hạ viện Pháp bỏ phiếu thông qua ngày 27/7, các chính trị gia Pháp sẽ không được phép tuyển dụng vợ/chồng hoặc con cái của họ vào vị trí trợ lý trong Quốc hội, nhằm tránh để tái diễn vụ việc tương tự bê bối liên quan cựu Thủ tướng Francois Fillon và vợ của ông.

Các quy định này nằm trong dự luật đầu tiên dự kiến sẽ được thông qua kể từ khi Tổng thống Emmanuel Macron đắc cử hồi tháng Năm năm nay.

[Bầu cử Tổng thống Pháp: Tỷ lệ ủng hộ ông Macron tăng mạnh]

Các quy định trên sẽ được áp dụng đối với các bộ trưởng và các thành viên trong Quốc hội Pháp, tương tự như chính sách hiện hành tại một số quốc gia trên thế giới; trong đó có Đức, từ đó tiến tới chấm dứt tình trạng đưa người thân vào làm việc.

Điều này thể hiện đúng tinh thần cam kết của ông Macron trong suốt quá trình tranh cử, cũng như sau khi đắc cử Tổng thống Pháp, đó là hành động để chấm dứt thực trạng nói trên được cho là căn nguyên khiến người dân mất lòng tin ở giới chính trị gia.

Ông Francois Fillon, 63 tuổi, thành viên đảng cánh hữu “Những người Cộng hòa” (LR), từng là một trong những ứng cử viên sáng giá trong cuộc đua vào Điện Elysee.

Tuy nhiên, uy tín của ông đã sụt nhanh chóng sau khi bị nhà chức trách điều tra cáo buộc lạm dụng công quỹ chi trả tiền lương lên đến hàng trăm nghìn euro cho vợ, là bà Penelope Fillon và 2 người con làm những công việc không có thực trong Quốc hội trong suốt nhiều năm qua, hay còn gọi là bê bối "lương thật, việc làm giả."

Trước đó, hôm 21/3 năm nay, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bruno Le Roux cũng đã phải từ chức sau khi xuất hiện thông tin tiết lộ ông từng thuê 2 con gái ruột ở tuổi vị thành niên làm trợ lý trong Quốc hội.

Hiện mỗi nghị sỹ Pháp nhận được khoản ngân sách hoạt động khoảng 130.000 euro/năm (tương đương 152.000 USD).

Tuy nhiên, chính quyền mới của Tổng thống Macron cho rằng việc kiểm soát hoạt động chi tiêu số tiền ngân sách này hiện còn quá lỏng lẻo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục