Pháp chuẩn bị kịch bản hồi hương các công dân từng tham chiến cho IS

Ngay trong nội bộ Chính quyền Pháp có nhiều ý kiến bất đồng về kịch bản hồi hương các phần tử cực đoan đã rời bỏ đất nước để tham chiến dưới ngọn cờ của IS.
Pháp chuẩn bị kịch bản hồi hương các công dân từng tham chiến cho IS ảnh 1Một tay súng IS. (Nguồn: AFP)

Việc hồi hương của các phần tử thánh chiến có quốc tịch châu Âu, từng tham chiến cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria, dự kiến sẽ diễn ra trong khuôn khổ một “chiến dịch phối hợp quốc tế."

Tờ Le Monde (Pháp) số ra gần đây đã có bài phân tích về kế hoạch hồi hương công dân của Pháp.

Ít nhất 70-80 trẻ em và khoảng 50 tay súng là công dân Pháp đã bị lực lượng người Kurd giam giữ từ nhiều tháng nay tại khu vực biên giới Iraq-Syria. Một trong những điều bận tâm nhất đối với Paris hiện nay là phối hợp hoạt động nhằm chuẩn bị cho một chiến dịch hồi hương quốc tế với hỗ trợ hậu cần của Mỹ.

Một nguồn tin chính phủ cho biết chiến dịch phối hợp không có nghĩa là các bên cùng chung một phương thức hoạt động. Các quốc gia có công dân từng gia nhập IS, chủ yếu là châu Âu và vùng Maghreb ở Bắc Phi, có nhiều lựa chọn khác nhau.

Tuy nhiên, vào cuối năm 2018, Bỉ đã bị lên án vì chỉ cho phép trẻ em hồi hương trong khi các bà mẹ vẫn bị giam giữ ở Syria.

Có ý kiến đề xuất xây dựng một chiến dịch quốc tế dựa trên nền tảng là thỏa thuận giữa các nước đồng minh, nhằm thiết lập tuyến đường hàng không đưa các tay súng thánh chiến nước ngoài ra khỏi Syria.

Kế hoạch này sẽ giúp ích cho những quốc gia thiếu phương tiện để hồi hương công dân của mình, đồng thời cho phép các quốc gia tăng cường giám sát việc đi lại của những người liên quan trong khi vẫn đảm bảo tôn trọng luật pháp quốc tế. Quân đội Mỹ sẽ là lực lượng thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chiến dịch này.

Tuy nhiên cho đến nay, chủ đề nhạy cảm nói trên vẫn bị nhiều quốc gia phản đối. Ngay trong nội bộ Chính quyền Pháp cũng có nhiều ý kiến bất đồng về kịch bản hồi hương các phần tử cực đoan đã rời bỏ đất nước để tham chiến dưới ngọn cờ của IS.

Hơn thế nữa, vai trò của Mỹ còn đặt ra nhiều câu hỏi đối với những người có trách nhiệm trong việc lên kế hoạch hồi hương những công dân từng là chiến binh thánh chiến này.

Sau thông báo vào giữa tháng 12/2018 của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc rút các lực lượng vũ trang Mỹ khỏi Syria, ý định hồi hương công dân đã được đẩy nhanh.

Trước đó, Paris vẫn hạn chế việc hồi hương các tay súng quốc tịch Pháp bị bắt, với lập luận rằng họ có thể bị xét xử ngay tại chỗ và chỉ trẻ em mới có thể được hồi hương. Tuy nhiên, trước tình hình địa chính trị mới, Chính quyền Pháp đang phải suy nghĩ lại. Lo ngại lớn nhất là sau khi người Mỹ rời đi, lực lượng Kurd sẽ buông lỏng giám sát và các chiến binh nước ngoài đang bị giam giữ có thể trốn thoát khỏi nhà tù địa phương.

Về mặt chính thức, chưa có thời hạn chót cho kế hoạch hồi hương này. Ngay cả khi Mỹ tuyên bố IS sẽ sớm không còn nắm giữ bất kỳ vùng lãnh thổ nào tại Syria thì thực tế liên minh quốc tế chống IS sẽ không có thay đổi gì cho đến mùa Hè tới.

Tuy nhiên, các nguồn tin của Pháp đang đề cập đến một lịch trình rút quân khá nhanh chóng. Trong khi đó, bối cảnh thực địa không mấy ổn định. Pháp đặc biệt lo ngại về khả năng các tay súng cực đoan là công dân Pháp sẽ rơi vào tay quân đội của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad.

Mặt khác, ngày càng có nhiều các chiến binh thánh chiến, nhất là phụ nữ và trẻ em, đầu hàng khi IS trên đường sụp đổ. Tình huống này khiến cho số lượng người nước ngoài có khả năng được hồi hương tăng cao hơn bao giờ hết. Trong thời gian gần đây, ít nhất 2 người Pháp, 6 người Đức, 4 người Mỹ, 2 người Thụy Điển, 2 người Canada, 2 người Ireland, 1 người Italia, 1 người Ukraine, và một số người người Arab đã bị bắt.

Kể từ khi IS bắt đầu sụp đổ, nhiều nhà lãnh đạo Pháp lo ngại rằng việc hồi hương các tay súng thánh chiến cùng con cái họ sẽ vấp phải sự phản đối gay gắt của công luận, với sự kích động của phe đối lập cực hữu. Vài tháng nay, các cơ quan tình báo và pháp lý đã gấp rút chuẩn bị kịch bản cho tất cả các tình huống.

[Anh sẽ tước quyền công dân của một đối tượng từng tham gia IS]

Các nhà tù đã sẵn sàng tiếp nhận các cựu chiến binh IS quốc tịch Pháp. So với khoảng 500 người bị kết tội là "phần tử khủng bố Hồi giáo" hiện đang được giam giữ trong các nhà tù của Pháp, hơn 50 tù nhân được phía người Kurd trao trả cho Pháp sẽ không gây ra tình trạng quá tải trong các nhà tù.

Theo quy định của pháp luật, một khi đã trở về Pháp và lý lịch tư pháp được làm rõ, các tay súng thánh chiến sẽ được "đánh giá" trước khi được chuyển đến các chế độ nhà tù khác nhau. Những kẻ nguy hiểm nhất sẽ bị biệt giam. Những người được coi là “tín đồ mới” sẽ được cải tạo trong “khu vực chống cực đoan hóa", cách xa các tù nhân bình thường khác. Một số đối tượng có thể chỉ phải chịu sự quản chế tư pháp. Hiện Pháp chỉ có 2 “khu vực chống cực đoan hóa" tại Condé-sur-Sarthe (tỉnh Orne) và Lille (tỉnh Nord). Việc mở thêm những khu đặc biệt này tại thủ đô Paris sẽ được bắt đầu trong những tuần tới. Cơ quan quản lý nhà tù cũng thừa nhận rằng hiện đang thiếu nhân viên được đào tạo để canh giữ các tù nhân cực đoan, nhất là trong các nhà tù xa Paris.

Liên quan đến con cái của các tay súng thánh chiến này, cơ quan bảo vệ tư pháp thanh thiếu niên mới đây đã đưa ra lời kêu gọi đẩy nhanh việc tìm kiếm các gia đình tự nguyện nuôi dưỡng. Công việc này không hề dễ dàng, nhất là khi các cơ quan chức năng cố gắng không tách rời anh chị em. Đối với một số trẻ em, gia đình họ hàng sẽ được ưu tiên.

Giới hữu quan Pháp nghiêng về các kịch bản hồi hương từng nhóm nhỏ, mỗi lần chỉ khoảng 10-12 người cùng gia đình họ. Giới quan sát nhận định sẽ không có những cuộc trở về rầm rộ, trừ khi sự phức tạp trên thực địa chiến trường một lần nữa khiến chính quyền phải xem xét lại tình hình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục