Ngày 11/10, Đức và Pháp, hai nền kinh tế hàng đầu của châu Âu-đã tổ chức Diễn đàn Năng lượng Đức-Pháp lần thứ 6 mang tên "Vai trò của hydro trong các lĩnh vực công nghiệp, phương tiện di động và điện."
Diễn đàn được tổ chức bằng hình thức trực tuyến với sự phối hợp của Văn phòng Chuyển đổi Năng lượng Pháp-Đức, Bộ Ngoại giao hai nước, Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức và Bộ Chuyển đổi Năng lượng Pháp.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Diễn đàn Năng lượng Đức-Pháp lần này tập trung thảo luận các vấn đề gồm nhu cầu hydro trong tương lai; chiến lược của Pháp, Đức và Liên minh châu Âu (EU) trong lĩnh vực phát triển hydro; thách thức về cơ sở hạ tầng, kinh tế và quy định luật pháp phát sinh, đặc biệt là trong các lĩnh vực giao thông, công nghiệp và sản xuất điện.
Bà Jennifer Morgan, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và là Đại diện đặc biệt về chính sách khí hậu quốc tế của Đức, cho biết Chính phủ Đức quyết tâm cùng với Pháp và các đối tác khác thúc đẩy phát triển hydro.
Việc hợp tác cùng nhau sẽ tạo cơ hội tích cực để định hình sự phát triển thị trường hydro toàn cầu, cũng như các cơ hội kinh tế và bảo vệ khí hậu.
[Các "ông lớn" ngành dầu khí nhấn mạnh cam kết chung giảm khí thải]
Theo Bộ Ngoại giao Đức, nước này đang dần trở thành một nền kinh tế hydro. Chiến lược hydro quốc gia đã tạo cơ sở cho việc này.
Bản cập nhật chiến lược của Chính phủ Đức năm nay đặt ra những mục tiêu tham vọng hơn, trong đó có tính đến những thách thức mới trên thị trường năng lượng. Bản cập nhật này cung cấp các hướng dẫn và các biện pháp thúc đẩy sản xuất, vận chuyển, sử dụng hydro và những dẫn xuất của hydro.
Ngoài ra, Chính phủ Đức cũng đang triển khai thực hiện một chiến lược nhập khẩu hydro riêng, với mục đích cung cấp đủ hydro và các dẫn xuất của hydro cho nền kinh tế Đức.
Bộ Ngoại giao Đức cũng cho biết nhu cầu hydro dự kiến sẽ tăng mạnh trong những năm tới. Khi thực hiện và định hình quá trình chuyển đổi năng lượng ở châu Âu, Đức và Pháp cần tăng cường hợp tác và trao đổi chặt chẽ để mang lại hiệu quả cao nhất. EU và Pháp đặt mục tiêu trung hòa khí hậu muộn nhất vào năm 2050.
Ở Đức, mục tiêu này được ấn định vào năm 2045. Từ nay cho đến năm 2030, trọng tâm chủ yếu là mở rộng quy mô năng lượng tái tạo, dần loại bỏ năng lượng hóa thạch.
Về lâu dài, dự kiến hydro sẽ đóng góp quyết định vào việc đạt được các mục tiêu chính sách năng lượng và khí hậu ở châu Âu, đặc biệt là trong các lĩnh vực như giao thông và công nghiệp. Ở Đức, việc sử dụng hydro để vận hành các nhà máy điện cũng đang được xem xét./.