Ngày 19/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông đã đạt được tiến bộ trong việc thuyết phục một số đồng minh của Paris trong Liên minh châu Âu (EU) xem xét và cân nhắc về một chiến lược phòng thủ mang tính tự chủ chiến lược hơn.
Điều này đi ngược lại với nỗ lực do Đức dẫn dắt hiện nay, trong đó hướng vào việc mua chung các hệ thống phòng không từ các đối tác bên ngoài châu Âu.
Hồi tháng 10/2022, Đức đã tuyên bố kế hoạch chung tay với 14 đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thực hiện chương trình mua sắm khí tài phòng không mà một phần trong số đó đến từ Mỹ và Israel.
[EU, NATO và Ukraine sẽ khởi động cơ chế điều phối, sản xuất vũ khí]
Kế hoạch này cũng nhằm bảo vệ lãnh thổ của các nước đồng minh trước các cuộc tấn công tên lửa tiềm tàng theo sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Sau tuyên bố này, khoảng 17 nước, bao gồm các quốc gia Baltic, Anh và một số nước Đông Âu giàu có, vốn là những nước thường mua sắm khí tài của Mỹ, đã tham gia một sáng kiến được gọi là “Sáng kiến Lá chắn Bầu trời châu Âu” (European Sky Shield Initiative).
Tuy nhiên, ngày 19/6, Tổng thống Macron cho biết Pháp cùng với Bỉ, CH Cyprus, Estonia và Hungary đã ký ý định thư về việc cùng triển khai thương vụ mua hệ thống phòng không Mistral của Pháp, do "gã khổng lồ” sản xuất tên lửa của châu Âu MBDA phát triển.
Phát biểu tại một cuộc họp quy tụ đại diện khoảng 20 quốc gia bên lề Triển lãm Hàng không Quốc tế Paris Air Show 2023, Tổng thống Macron nói: "Khi bàn về vấn đề phòng không, sẽ là sai lầm nếu chúng ta vội vàng tính đến vấn đề năng lực. Vấn đề đầu tiên cần là vấn đề chiến lược. Tình hình ở Ukraine cho thấy rằng chúng ta chỉ có thể cung cấp cho Kiev những gì (khí tài) mà chúng ta sẵn có và sản xuất được. Chúng ta sẽ khó có thể quản lý được những gì (khí tài) từ bên ngoài châu Âu."
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Pháp cũng cho rằng EU cần có một chiến lược phòng không tự chủ chiến lược của riêng mình, chứ không phải phụ thuộc cụ thể vào Mỹ thông qua NATO.
Tổng thống Macron cũng cho rằng điều quan trọng là EU cần xây dựng cho riêng mình một nền công nghiệp phòng không và chỉ mua sắm khí tài giữa các nước EU với nhau.
Pháp là một trong những nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu trên thế giới. Lo sợ sẽ phải mất hàng thập kỷ nếu theo đuổi giải pháp "tất cả khí tài là từ châu Âu," Đức đã quyết định đi theo sáng kiến nói trên với việc mua sắm các hệ thống phòng không sẵn có như hệ thống phòng không Patriot của Mỹ hay hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow 3 của Israel mà không cần đặt mẫu thiết kế hay đặt hàng. Đức để ngỏ cánh cửa để Pháp tham gia sáng kiến này.
Tuy nhiên, Paris đã từ chối, cho rằng việc tham gia sáng kiến này sẽ gây ra tình trạng phụ thuộc mới và sau đó vấn đề này sẽ gây ra tranh chấp giữa Berlin và Paris.
Tại cuộc họp bên lề triển lãm nói trên, vốn diễn ra 3 ngày sau một cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng của NATO, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã kiên quyết bảo vệ sáng kiến của nước này.
Hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin cho biết người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Đức đã bác bỏ bất kỳ cạnh tranh nào giữa Đức và Pháp liên quan đến chương trình phòng không của hai nước này.
Người phát ngôn này nói: "Sáng kiến Lá chắn Bầu trời châu Âu không gây ra bất kỳ cạnh tranh nào đối với NATO hoặc các nước EU. Mọi thứ được mua sắm có thể được tích hợp vào hệ thống hiện hành. Điều này có nghĩa là chúng ta không cạnh tranh với Pháp."
Năm ngoái, EU đã thông qua một chiến lược về quốc phòng và an ninh đầy tham vọng, mang tên kế hoạch "La bàn chiến lược," trong đó hướng tới năng lực tự chủ quốc phòng.
Tuy nhiên, để thực hiện kế hoạch này là cả một quá trình đầy khó khăn và thách thức do có nhiều yếu tố như sự khác biệt về năng lực quốc phòng và ngân sách của mỗi nước thành viên./.