Phát động chiến dịch rà soát, bóc gỡ mã độc trên toàn quốc

Chiến dịch này hướng đến việc giảm 50% tỷ lệ lây nhiễm mã độc, giảm 50% địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong 10 "mạng máy tính ma" phổ biến.
Phát động chiến dịch rà soát, bóc gỡ mã độc trên toàn quốc ảnh 1(Ảnh minh họa)

Ngày 17/9, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức phát động chiến dịch “Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020”. Chương trình hướng tới mục tiêu dài hạn là bảo đảm an toàn cho người dùng trên không gian mạng Việt Nam, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Với mục tiêu vì cộng đồng, hướng tới cá nhân, doanh nghiệp, “Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020” sẽ được triển khai trên diện rộng. Theo đó, các đơn vị triển khai cung cấp các công cụ kiểm tra, xử lý và bóc gỡ mã độc. Những phần mềm phòng chống mã độc sẽ được cập nhật, cho phép sử dụng miễn phí qua website https://khonggianmang.vn.

Số liệu thống kê thực tế cho thấy Việt Nam có khoảng 16 triệu địa chỉ IPv4 (mạng internet thế hệ thứ tư), trong đó có khoảng 2 triệu địa chỉ IP thường xuyên nằm trong các mạng botnet (mạng máy tính ma) lớn...

Do vậy, việc triển khai chiến dịch rà soát, bóc gỡ này đặt mục tiêu giảm 50% tỷ lệ lây nhiễm mã độc, giảm 50% địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong 10 mạng botnet phổ biến, đưa Việt Nam ra khỏi báo cáo của các hãng về tỷ lệ lây nhiễm mã độc trong khoảng thời gian nhất định.

Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, chương trình sẽ được chia làm ba giai đoạn: Trước, trong và sau chiến dịch. Hiện tại, chiến dịch đã bước vào giai đoạn 2.

Giai đoạn trong chiến dịch (giai đoạn 2) kéo dài 1 tháng, gồm các công đoạn: Đánh giá hoạt động 10 mạng botnet lớn cần ưu tiên xử lý; đánh giá ở mức ISP (nhà cung cấp dịch vụ); xây dựng công cụ hỗ trợ; triển khai công cụ trên diện rộng để người sử dụng được tải miễn phí các công cụ để kiểm tra và bóc gỡ mã độc ra khỏi máy tính của mình.

Chiến dịch được thực hiện đồng bộ tại tất cả các tỉnh, thành phố, từ cấp địa phương đến cấp trung ương, thông qua hệ thống đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; các ngân hàng thương mại cổ phần, các tổ chức tài chính.

[Việt Nam đang phải đối mặt với hiểm họa khôn lường từ không gian mạng]

Ngoài Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, chương trình còn có sự phối hợp, đồng hành của các doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông lớn trong nước như VNPT, Viettel, FPT, BKAV...

Thông tin chi tiết về chiến dịch sẽ được cung cấp trên trang web https://khonggianmang.vn/chiendich2020.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục