Phát hành trái phiếu - Bài toán thành công?

Các chuyên gia đã đề xuất những giải pháp nhằm mang lại thành công cho những đợt phát hành trái phiếu của Chính phủ và doanh nghiệp.
Phát hành trái phiếu được xem là một trong những công cụ hút tiền từ lưu thông về khá hữu hiệu để kiềm chế lạm phát, đồng thời, là một kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả đối với Chính phủ và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, kênh đầu tư này tỏ ra khá trầm lắng, ngay cả đối với trái phiếu Chính phủ vốn được coi là an toàn.

Trầm lắng thị trường trái phiếu

Thị trường trái phiếu Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường non trẻ và đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển. Chính vì vậy không tránh khỏi những hạn chế như: Tỷ lệ huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu trong tổng giá trị GDP còn thấp so với các nước trong khu vực.

Tính tới cuối năm 2008, tổng lượng trái phiếu lưu hành của Việt Nam chỉ bằng 14,2% GDP, so với các nước trong khu vực như Thái Lan 52,4%, Philippines 34,2% và Singapore 66,8%.

Bên cạnh đó, trái phiếu doanh nghiệp còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng giá trị trái phiếu trên thị trường, tính tới cuối năm 2008, tỷ lệ này là 5,84%, trong khi số liệu tương ứng của các nước trong khu vực là Philippines 10,68%, Malaysia 83,57% và Singapore 76,72%.

Vì vậy “hàng hóa chủ yếu trên thị trường vẫn là trái phiếu Chính phủ" - ông Lê Đức Thọ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) khẳng định. Tuy nhiên, từ đầu năm 2009 tới nay, các phiên đấu thầu Trái phiếu Chính phủ hầu như không đạt mục tiêu. Điều này khiến nhiều người bi quan về triển vọng của thị trường trái phiếu trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội vừa thông báo kết quả đấu thầu 3.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ do Ngân hàng Chính sách Xã hội phát hành được tổ chức vào ngày 11/8/2009 đã không có lãi suất trúng thầu. Có 4 thành viên tham gia đấu thầu tổng số tiền đăng ký đấu thầu là 185 tỷ đồng. Lãi suất đăng ký thấp nhất là 9,5%/năm; lãi suất đăng ký cao nhất là 10,6%/năm, trong khi đó lãi suất trúng thầu chỉ là 9,1%/năm. Do vậy đã không có lãi suất nào trúng thầu.

Trước đó, trong phiên đấu thầu ngày 29/5 trước đó, có 500 tỷ đồng trái phiếu đấu thầu nhưng cũng không ai thành công trong việc mua trái phiếu do bên bán đặt lãi suất trần cao nhất chỉ 8,5% trong khi lãi suất kỳ vọng mà các bên mua yêu cầu thấp nhất là 9,25% và cao nhất lên đến 13,5%.

Tổng kết các đợt phát hành từ đầu năm đến nay là một "bức tranh" không được sáng: Kho bạc Nhà nước đã có 6 lần đấu thầu trái phiếu với khối lượng lớn nhưng đa số là thất bại, chỉ bán được khoảng 100 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách Xã hội 5 lần đấu thầu nhưng không bán được đồng nào, Ngân hàng Phát triển 3 lần đấu thầu đều thất bại.

Điều này ít nhiều ảnh hưởng tới thị trường trái phiếu Việt Nam, "nguồn cung giảm, chắc chắn thị trường sẽ trầm lắng", ông Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc chương trình giảng dạy Fullbright tại Việt Nam nhận xét.

Tìm hướng đi

"Thực tế thời gian qua liên tiếp có những đợt phát hành trái phiếu không thành công là do nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố thị trường. Trong điều kiện lãi suất huy động đang có chiều hướng tăng lên và có nhiều mối lo ngại về nguy cơ lạm phát quay trở lại đã khiến cho thị trường trái phiếu kém hấp dẫn", Phó Chủ tịch VBMA Lê Đức Thọ cho biết.

"Chính phủ đưa ra lãi suất trần khi phát hành trái phiếu, nhưng không đạt được kỳ vọng của nhà đầu tư nên thất bại là chuyện không tránh khỏi”, ông Vũ Thành Tự Anh nhận định như vậy.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, thị trường trái phiếu chủ yếu tập trung vào trái phiếu Chính phủ mà chưa chú trọng đến việc huy động vốn từ trái phiếu doanh nghiệp. Trong khi đó, đây lại là một kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả đối với doanh nghiệp.

Lý giải vì sao trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển, ông Lê Đức Thọ cho biết: "Trái phiếu Chính phủ là do Chính phủ phát hành, rủi ro tín dụng gần như không có. Còn đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư lại rất quan tâm đến khả năng thanh toán của doanh nghiệp phát hành, vậy nên cần phải có một cơ chế để nhà đầu tư yên tâm khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, và các doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu cần công bố thông tin minh bạch cho nhà đầu tư”.

Vì vậy, "để doanh nghiệp phát hành trái phiếu thành công thì cần phải có một hệ thống luật pháp tương đối hoàn chỉnh để bảo vệ các nhà đầu tư khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp", ông Lê Đức Thọ cho biết.

Theo các chuyên gia kinh tế, để phát triển bền vững thị trường, cần nhanh chóng cơ cấu lại danh mục trái phiếu. Với số lượng nhiều loại kỳ hạn như hiện nay, nhà đầu tư khó theo dõi, không thuận lợi cho giao dịch trên thị trường thứ cấp cũng như ảnh hưởng đến thanh khoản.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần bảo đảm khả năng thanh khoản của trái phiếu cho nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng thông qua chính sách chiết khấu, tái chiết khấu, nghiệp vụ thị trường mở, cầm cố  trái phiếu Chính phủ; từng bước phát triển thị trường hợp đồng mua lại, thị trường hợp đồng kỳ hạn./.
Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) chính thức ra đời ngày 17/8 vừa qua, nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu và các công cụ nợ khác tại Việt Nam.

Trong thời gian trước mắt, VBMA sẽ tập trung trọng tâm vào một số lĩnh vực để giúp cho thị trường phát triển một cách bền vững. Đó là tạo lập ra những thông lệ của thị trường để cho các thành viên giao dịch có được một hành lang bảo vệ tương đối an toàn.

Các thành viên tham gia thị trường cũng có thêm những hiểu biết về các nguyên tắc của thị trường để hoạt động có hiệu quả hơn.
(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục