Phóng viên TTXVN tại Singapore dẫn kết quả nghiên cứu vừa được công bố của các nhà khoa học thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) và Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho biết collagen có nguồn gốc từ vảy cá có thể được sử dụng để chữa trị vết thương.
Nghiên cứu được tiến hành trên vảy của những loại cá thường được dùng để nấu ăn như cá vược, cá ngừ và cá rô phi.
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng vảy cá có chứa collagen có thể chuyển hóa về mặt hóa học để hòa tan trong nước và được sử dụng cho nhiều ứng dụng y sinh học.
Bên cạnh đó, collagen đã chuyển hóa cũng có thể kết hợp với thuốc để sản xuất ra các loại băng vết thương có khả năng chữa bệnh cao hơn.
Khi được thử nghiệm trên chuột, collagen cũng đem lại nhiều tiềm năng trong việc điều trị và tái tạo mô.
Trước đó, các nghiên cứu của nhóm nhà khoa học trên cũng cho thấy collagen có nguồn gốc từ vảy cá có thể tác động lên tế bào mao mạch của con người.
Theo đó, những tế bào này sản sinh ra collagen cao gấp 2,5 lần trong quá trình hình thành mạch máu so với những tế bào được nuôi cấy trên những dạng collagen khác.
Các phát hiện mới đã thu hút sự chú ý của giới khoa học quốc tế vì collagen từ các nguồn không phải là động vật có vú có thể khắc phục được những vấn đề sinh học và văn hóa khác nhau liên quan đến collagen từ gia súc, lợn. Đó là chưa kể cần phải kiểm tra kỹ lưỡng quá trình chiết xuất do nguy cơ dịch bệnh từ động vật có vú sang người...
Nghiên cứu của các nhà khoa học Singapore cũng chỉ ra rằng collagen có nguồn gốc từ vảy cá có thể thu được dễ dàng với 200mg collagen có thể được chiết xuất từ một hoặc hai con cá và quá trình chiết xuất chỉ tốn hơn 4 đôla Singapore.
Nhóm nghiên cứu cũng đang làm việc với một số cơ sở nghề cá địa phương để tìm cách chuyển đổi các chất thải nuôi trồng thủy sản như vảy cá thành vật liệu hữu ích cũng như mở rộng quy trình chiết xuất collagen để quản lý hiệu quả rác thải./.