Phát hiện địa điểm thờ cúng tổ tiên thời tiền Inca ở Peru

Nhà khảo cổ học Nhật Bản Shinya Watanabe cho biết địa điểm khảo cổ trên thuộc nền văn hóa Wari, niên đại từ 800 đến 1.000 năm sau Công nguyên, nằm ở vùng Cajamarca, cách thủ đô Lima của Peru 900km.
Phát hiện địa điểm thờ cúng tổ tiên thời tiền Inca ở Peru ảnh 1Tàn tích của đế chế Inca.(Nguồn: Reuters)

Một nhóm nhà khảo cổ học Peru và Nhật Bản mới đây đã khai quật được một địa điểm thờ cúng tổ tiên thời kỳ tiền Colombo (thời kỳ trước khi người châu Âu tìm ra châu Mỹ) ở miền Bắc Peru. Tại đây, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy 2 khu vực chôn cất, một số bộ hài cốt người và đồ thờ cúng bằng gốm.

Chia sẻ với báo giới ngày 2/9, nhà khảo cổ học Nhật Bản Shinya Watanabe cho biết địa điểm khảo cổ trên thuộc nền văn hóa Wari, niên đại từ 800 đến 1.000 năm sau Công nguyên, nằm ở vùng Cajamarca, cách thủ đô Lima của Peru 900 km về phía Bắc. Wari được xem là nền văn hóa thống trị, phát triển cực thịnh trước khi đế chế Inca ở Peru (1250-1532) xuất hiện.

Ông Watanabe, giáo sư tại Đại học Nanzan ở Nhật Bản, cho hay, tại địa điểm này, các nhà khảo cổ học phát hiện 2 khu vực chôn cất có các hố để đặt xác ướp và đồ cúng tổ tiên. Mỗi khu chôn cất có 2 tầng, trên tường có 5 hốc lớn đặt các đồ thờ cúng như vỏ nhuyễn thể, mảnh gốm và một chiếc đĩa 3 chân có 3 giá đỡ hình nón.

[Peru nới lỏng hạn chế số lượng khách du lịch đến Machu Picchu]

Giáo sư Watanabe nhận định đây là một phát hiện quan trọng đối với các nhà khảo cổ học đang tìm kiếm bằng chứng về nền văn hóa Wari.

Trong khi đó, quan chức cấp cao phụ trách văn hóa ở vùng Cajamarca, bà Judith Padilla, cho biết phát hiện này cung cấp thêm hiểu biết về “lối sống và thực hành nghi lễ” của các xã hội cổ xưa sinh sống trong khu vực.

Văn hóa Wari tồn tại từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 13 trên lãnh thổ ngày nay là Peru, nhưng đến năm 1100 sau Công Nguyên, Wari đã suy tàn do sự xuất hiện của đế chế Inca./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục